Phải đủ “khoan sức doanh nghiệp“

30/03/2019 06:00 GMT+7

Muốn thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển, chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cần có sự đột phá mạnh mẽ.

Bởi ngoài yếu tố "nhỏ, siêu nhỏ" về tài chính, quy mô, các doanh nghiệp (DN) này còn thua thiệt rất nhiều so với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài ở nhiều khía cạnh.
DN nhỏ, siêu nhỏ tài sản ít, thậm chí không có, rất khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng... Nếu có tiếp cận được, lãi suất cũng cao hơn. Chúng ta đều biết, các DN lớn, có quan hệ, có lịch sử tín dụng tốt, lãi vay thậm chí chỉ bằng một nửa so với mặt bằng lãi vay chung trên thị trường. Tương tự với tiếp cận thuê đất, tiếp cận thông tin... họ đều không thể "so bì" được với các "ông lớn". Vô hình trung, chi phí đầu vào cơ bản của DN nhỏ lại cao hơn DN lớn.
Sẽ càng bất công hơn nếu so sánh mức thuế của các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là những tập đoàn đa quốc gia. Thực tế cho thấy, nhiều DN sau những ưu đãi khủng, còn được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong nhiều năm. Với mức giảm thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ mà Bộ Tài chính vừa đề xuất là còn 15 - 17%, "đội thuyền thúng" của chúng ta phải gánh mức thuế cao hơn cả các "đại gia" nước ngoài tại VN. Vậy làm sao họ có thể cạnh tranh để lớn?
Đặc biệt năm nay Hiệp định Đối tác kinh tế Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, sân chơi bình đẳng cho tất cả các DN trong và ngoài nước thi thố bản lĩnh kinh doanh. Hàng rào thuế xuất nhập khẩu bị xóa bỏ, chính phủ các nước đã và sẽ sử dụng thuế TNDN như một công vụ đồng hành với DN để cạnh tranh trong sân chơi hội nhập. DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ của chúng ta tiềm lực yếu, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ việc giảm bớt gánh nặng thuế TNDN, từ công cuộc cải cách thủ tục hành chính để tiết giảm tối đa chi phí đầu vào và có được sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.
Quan trọng nhất, một chính sách thuế "khoan sức DN" còn có tác dụng giảm bớt thất thoát cho ngân sách thông qua các chiêu trò trốn thuế; giảm bớt tệ “ăn vặt” của cán bộ, nhân viên thuế thông qua việc bắt tay với DN để hạ mức thuế xuống thấp nhất có thể. Làm như vậy, ngân sách thất thu, môi trường kinh doanh méo mó mà các DN không muốn và không bao giờ có cơ hội lớn lên, chuyên nghiệp hơn để ra biển lớn.
Việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ luôn là vấn đề được Đảng, Chính phủ quan tâm. Chúng ta có rất nhiều chương trình riêng cho nhóm này như ưu đãi lãi suất (trong một thời điểm, đối tượng nhất định); hỗ trợ tiếp cận tín dụng... nhưng các giải pháp này chưa thực hiệu quả và chưa bao quát hết những đối tượng. Miễn, giảm thuế TNDN là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất. Nhưng để phát huy tối đa tác dụng thì ngưỡng thuế phải đủ để tạo sức bật cho các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN siêu nhỏ.
Gần 4 năm chúng ta mới khởi động lại vấn đề giảm thuế TNDN cho các đối tượng này, nếu quá "chắt bóp", dè dặt thì có thể lại khiến họ lỡ mất cơ hội.
Các DN đang trông chờ một mức thuế TNDN đột phá hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.