Phải làm gì khi bị đau khớp bàn tay?

28/05/2018 09:16 GMT+7

Bàn tay là bộ phận hoạt động chính trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Khi các khớp vùng bàn tay bị đau, khả năng làm việc sẽ suy giảm.

Theo Ths.BS Võ Châu Duyên (khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), có nhiều nguyên nhân gây đau khớp bàn ngón tay nên tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà áp dụng phương pháp điều trị.

Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu
Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến khớp không thể vận hành thuận lợi. Sụn có thể mỏng đi đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương bị cọ xát, thậm chí bào mòn lẫn nhau, gây đau.
Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng và được quy kết cho quá trình lão hóa của cơ thể theo tuổi tác. Các chấn thương và viêm khớp vùng bàn ngón tay có thể thúc đẩy diễn tiến tự nhiên của bệnh và gây ra thoái hóa khớp sớm. Bệnh thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam do khác cấu tạo giải phẫu, dây chằng và các sợi gân của phụ nữ đàn hồi hơn nam giới làm cho khớp cử động, kém ổn định hơn dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương theo thời gian. Do đặc thù công việc phải vận động bàn tay nhiều hơn cho việc nấu ăn, lau nhà, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… nên bàn tay phụ nữ dễ thoái hóa khớp hơn. Ngoài ra, càng lớn tuổi, lượng nội tiết tố cũng suy giảm dần dẫn đến viêm khớp, thoái hóa sụn, cuối cùng là thoái hóa khớp. Ngoài ra, phụ nữ dễ mắc bệnh là do một số yếu tố nguy cơ khác: thiếu hụt can xi, loãng xương, nhất là phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh, béo phì…
Triệu chứng thường gặp là các ngón tay bị tê, khó cử động. Nhiều trường hợp bị sưng đau, không thể cầm nắm hay bị cứng khớp ngón tay sau khi ngủ dậy. Một số khác có nổi những cục cứng như xương ở khớp ngón tay, gây biến dạng bàn tay, xơ cứng ngón tay khiến bệnh nhân dần mất khả năng hoạt động của bàn tay.
Viêm đa khớp dạng thấp có thể do gen
Nguyên nhân gây đau khớp bàn ngón tay ít gặp hơn nhưng thường để lại hậu quả nặng nề là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh cũng thường gặp ở tuổi trung nhiên và xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Có một nhóm gen liên quan đến viêm đa khớp dạng thấp, những cá nhân mang gen này nếu gặp các yếu tố thúc đẩy bệnh như căng thẳng tâm lý, nhiễm trùng, nhiễm virus hay thay đổi hormone sẽ tạo điều kiện cho bệnh khởi phát.
Bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp thường có biểu hiện cứng khớp buổi sáng kéo dài hơn những người thoái hóa khớp, thường là trên 1 giờ. Các khớp đau thường đối xứng hai bên và dễ dẫn đến biến dạng khớp gây tàn phế khi bệnh kéo dài. Việc chẩn đoán sớm và điều trị viêm đa khớp dạng thấp hợp lý giúp đẩy lui bệnh, giảm tỷ lệ tàn phế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phiền toái do đau khớp bàn tay1
Bệnh lý gân cơ, thần kinh
Đôi khi bệnh lý gân cơ và thần kinh vùng bàn ngón tay có thể làm bệnh nhân có cảm giác đau và tê cứng vùng khớp. Việc chẩn đoán và điều trị không đúng ở các bệnh nhân này có thể làm cho bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt cho gân cơ vùng bàn tay và một số trường hợp có thể để lại những di chứng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người bệnh. Ví dụ, khi bị viêm gân sẽ gây đau vùng bàn ngón tay. Mục tiêu điều trị trong viêm gân là làm giảm cơn đau và giảm viêm, viêm gân có thể gây đứt gân, lúc này cần phải phẫu thuật sửa chữa rất tốn kém.
Ths.BS Võ Châu Duyên cho biết, khi có triệu chứng đau khớp bàn ngón tay, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp. Song song đó, để cải thiện các triệu chứng đau bàn ngón tay cần tăng cường luyện tập ngay lúc nghỉ làm việc, trước khi ngủ để tăng sức cơ, cải thiện vận động, giảm nguy cơ thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
Nếu bàn ngón tay đau, cứng, sau khi ngủ dậy có thể chườm ấm hoặc cho bàn tay vào nước ấm. Để có cảm giác ấm sâu nên thoa ít dầu ăn vào tay, mang găng cao su rồi nhúng tay vào nước ấm.
Khi ngồi tại bàn làm việc, đừng cố gắng rê chuột hoặc gõ bàn phím liên tục. Hãy cho bàn tay nghỉ ngơi bằng cách: căng bàn tay hết sức cho đến khi thấy chặt, không đau, sau đó nhẹ nhàng nắm tay lại, ngón cái để trước, giữ 30 - 60 giây, tập vài lần.
Trên bàn làm việc nên để một quả bóng mềm bằng cao su, thỉnh thoảng nắm chặt quả bóng mềm, giữ khoảng 15 giây rồi thả, thực hiện vài lần. Nếu thấy con nhỏ chơi trò nặn đất sét, bạn hãy tham gia cùng vì các động tác nhào nặn, vò đất sét cũng có tác dụng tăng sức cơ bàn tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.