Bệnh dại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống. Khi bị động vật có thể mang bệnh dại cắn, mọi người cần đến ngay bệnh viện để điều trị. Nếu có thể, hãy đưa con vật cắn mình đi xét nghiệm bệnh dại, theo hãng Fox News (Mỹ).
Khi bị chó, mèo hay động vật hoang dã cào, cắn hoặc liếm lên vết thương hở thì nạn nhân cần đến bệnh viện điều trị dự phòng bệnh dại ngay lập tức |
SHUTTERSTOCK |
Không chỉ chó, mèo mà một số loại động vật hoang dã như dơi, chồn, cáo, gấu mèo cũng có thể mang bệnh dại. Nạn nhân cần phải được điều trị trước khi các triệu chứng đầu tiên của dại xuất hiện.
Các triệu chứng này thường là sốt, nhức đầu, tiết nhiều nước bọt, suy nhược, cảm giác bị kim chích và ngứa ở vị trí bị cắn. Người bệnh cũng dễ lo lắng, bối rối và kích động. Bệnh tiến triển sẽ gây mê sảng, ảo giác, không thể ngủ, nuốt và luôn bị khát. Khi các triệu chứng này đã xuất hiện thì nạn nhân gần như chắc chắn tử vong.
Trong trường hợp nặng, người bị dại sẽ sợ nước. Nguyên nhân là do cảm giác đau đớn dữ dội khi bệnh nhân nuốt chất lỏng, dù là nước uống hay nước bọt.
Virus dại lây lan qua nước bọt của động vật nhiễm bệnh, khi chúng cắn hoặc liếm lên vết thương hở của chúng ta. Do đó, khi bị động vật lạ cắn, đặc biệt là khi chúng có hành động kỳ quặc như động vật sống về đêm nhưng lại xuất hiện vào ban ngày, thì cần phải đến bệnh viện điều trị ngay lập tức.
Trong phần lớn trường hợp, con người bị lây bệnh dại là do chó cắn. Khi đến bệnh viện, nạn nhân thường sẽ được vệ sinh vết thương, sau đó điều trị dự phòng bằng một liều globulin miễn dịch kháng dại và vắc xin phòng dại ngay vào ngày bị cắn. Những liều vắc xin sau đó sẽ được tiêm vào các ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 14 kể từ khi bị cắn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Cơ quan này cũng lưu ý người dân đi du lịch ở nước ngoài có thể sẽ đến những khu vực không có sẵn vắc xin phòng dại. Khi đó, họ cần phải trở về nước hoặc đến ngay nơi có vắc xin để tiêm ngừa càng sớm càng tốt, theo Fox News.
Bình luận (0)