Phải làm gì khi loét miệng không biến mất?

28/03/2023 09:07 GMT+7

Loét miệng hình thành trên niêm mạc miệng sẽ gây cảm giác khó chịu, đau đớn. Chúng có thể đau đến mức khiến việc ăn hoặc nói cũng trở nên khó khăn.

Vết loét miệng là một trong những tình trạng viêm nhiễm trong miệng phổ biến nhất. Loét miệng không lây nhiễm dưới bất kỳ hình thức nào, kể các các tiếp xúc gần như hôn, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Phải làm gì khi loét miệng không biến mất ? - Ảnh 1.

Nếu vết loét miệng kéo dài không hết thì cần phải sớm đến bác sĩ kiểm tra để tìm nguyên nhân gốc rễ và điều trị

SHUTTERSTOCK

Tin tốt là dù gây khó chịu nhưng phần lớn các vết loét không kéo dài quá lâu. Hầu hết các vết loét miệng là nhỏ. Những trường hợp vết loét lớn hiếm khi xảy ra. Chúng sẽ tự biến mất trong một tuần hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, nếu vết loét miệng đã vài tuần trôi qua mà vẫn không lành thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

Có một tình trạng gọi là loét miệng phức hợp. Vết loét này hiếm gặp, thường liên quan đến một số vấn sức khỏe cơ bản như hệ miễn dịch bị tổn thương, bệnh Crohn hoặc thiếu vitamin. Vết loét miệng phức hợp sẽ lớn hơn và đau hơn loét miệng bình thường. Chúng có thể mất khoảng 1 tháng mới lành lại và sẽ để lại sẹo.

Với loại vết loét này, các nhà nghiên cứu tin rằng sẽ điều trị hiệu quả hơn nếu nhắm vào vấn đề gốc rễ gây ra loét. Do đó, nếu bạn bị loét miệng kéo dài, khó lành hoặc kèm theo sốt thì nên đi bác sĩ khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xác định xem đó là do loét miệng thông thường hay là do bệnh tiềm ẩn nào đó.

Một số phương pháp mà người bị loét miệng có thể tự áp dụng để điều trị tại nhà là dùng thuốc gây tê cục bộ benzocaine, thuốc giảm đau không kê đơn ibuprofen và acetaminophen. Sát trùng vết loét bằng hydro peroxide, hay còn gọi là ô xy già, có thể giúp diệt vi khuẩn và đẩy nhanh quá trình chữa lành. Những trường hợp vết loét kéo dài có thể cần điều trị bằng kháng sinh.

Các vết loét miệng rất dễ tái phát. Nguyên nhân có thể là do tổn thương niêm mạc miệng, căng thẳng, ăn nhiều đậu phộng, sô cô la hay uống nhiều cà phê. Ngoài ra, ăn các món có tính a xít cao hoặc cay cũng góp phần gây và tái phát loét miệng.

Do đó, việc ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa loét miệng. Một chế độ ăn lành mạnh với trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp đảm bảo đủ dưỡng chất, giúp tránh trình trạng thiếu vitamin.

Thực hành vệ sinh răng miệng tốt, giảm căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn loét miệng, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.