Khi một mạch máu bị đứt, tim vẫn tiếp tục bơm máu. Điều này có nghĩa là vết thương vẫn tiếp tục chảy máu cho đến khi phải có thứ gì đó bịt miệng vết thương lại, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Nếu vết thương gây mất máu từ 30 đến 40% thì nạn nhân sẽ ngất xỉu |
SHUTTERSTOCK |
Có 3 loại chấn thương thường gặp nhất dẫn đến chảy máu nhiều là đầu bếp bị dao cắt, té ngã hoặc tai nạn lao động, bác sĩ cấp cứu Troy Madsen, chuyên gia tại Đại học Y tế Utah (Mỹ), cho biết.
Một trong những nguy cơ đáng sợ nhất là chấn thương gây đứt tĩnh mạch. Hậu quả có thể khiến máu chảy ra rất nhiều.
Một người trưởng thành sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bất ổn khi mất khoảng 14% lượng máu của cơ thể. Họ sẽ bị ngất xỉu nếu mất từ 30 đến 40% máu. Nếu tình trạng mất máu tiếp tục xảy ra thì có thể dẫn đến tử vong.
Một trong những nguyên tắc khi sơ cứu vết thương đang chảy nhiều máu là dùng vải, khăn, bông gòn hay bất kỳ thứ gì phù hợp áp và đè lên vết thương trong khoảng 5 phút. Cách này sẽ giúp che kín miệng vết thương và hạn chế chảy máu. Nếu vết cắt sâu và dính một phần vải của quần áo hay vật dụng gì trong vết thương thì phải lấy ra.
Ngoài ra, cần phải lưu ý là nếu vết thường bị ở tay chân hoặc nằm gần các chi này thì hãy nâng vết thương cao hơn vị trí tim. Điều quan trọng là phải bịt lại toàn bộ miệng vết thương.
Khi máu đã ngừng chảy thì cần băng vết thương lại bằng gạc hay bông gòn. Nếu đã dùng gạc, bông gòn che miệng vết thương mà máu vẫn không ngừng chảy thì đặt tiếp miếng gạc, bông gòn lớn hơn lên miếng đầu tiên, sau đó dùng lực ấn mạnh hơn.
Lựa chọn cuối cùng là dùng vải cột lại tay, chân ở vị trí ngay bên trên vết thương để hạn chế máu chảy. Sau đó, cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, theo Medical NewsToday.
Bình luận (0)