Các nhà khoa học cho rằng con người hiện đại đã tiến hóa theo hướng cơ thể nhỏ lại. Điều này cũng khiến xương hàm nhỏ lại và không còn đủ chỗ để răng khôn mọc lên, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Răng khôn là bộ phận không phục vụ bất kỳ mục đích nào cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu mọc lệch thì chúng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Một trong những vấn đề thường gặp nhất là viêm quanh chân răng. Tình trạng này xảy ra khi phần nướu quanh răng khôn bị sưng và viêm. Nguyên nhân gây viêm là do răng khôn mọc lên, kết hợp với sự tích tụ thức ăn và vi khuẩn trong nướu.
Ngoài ra, răng khôn nằm ở trong cùng của hàm nên cũng khó vệ sinh hơn. Điều này cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Răng khôn khi không có đủ không gian phát triển sẽ bị các răng, xương hoặc mô mềm khác chặn lại. Điều này khiến răng không thể mọc thẳng hay phát triển hoàn chỉnh. Tình trạng này sẽ gây nhiễm trùng và các tổn thương răng khác.
Các triệu chứng nhiễm trùng của răng khôn là đau, sưng nướu, khó mở miệng và hơi thở có mùi hôi. Nếu chuyển biến nặng, người bệnh còn bị sưng hoặc cứng hàm, đau dữ dội.
Nếu nhiễm trùng răng khôn ở mức độ nhẹ thì hãy súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày, uống thuốc giảm đau không kê đơn và vệ sinh kỹ khu vực có răng khôn mọc lên. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giúp kiểm soát cơn đau chứ không chữa khỏi nhiễm trùng.
Trong trường hợp vị trí nhiễm trùng bị sưng đau, đặc biệt là kéo dài trên 3 ngày, thì hãy đến nha sĩ càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng mà nha sĩ có thể yêu cầu dùng kháng sinh. Một điều người bệnh cần lưu ý là phải dùng kháng sinh đủ liều theo yêu cầu của nha sĩ, tránh bỏ ngang thuốc ngay cả khi triệu chứng sớm khỏi.
Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể đề nghị nhổ răng khôn. Nói chung, cách tốt nhất để răng khôn mau khỏi là tuân thủ theo lộ trình điều trị của nha sĩ.
Bình luận (0)