Phải làm rõ nguồn trả nợ công

24/05/2014 09:00 GMT+7

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hôm qua, nhiều ĐBQH kiến nghị phải làm rõ nguồn chi trả nợ công sẽ lấy từ đâu, trong bối cảnh nợ công tăng cao, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hôm qua, nhiều ĐBQH kiến nghị phải làm rõ nguồn chi trả nợ công sẽ lấy từ đâu, trong bối cảnh nợ công tăng cao, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Phải làm rõ nguồn trả nợ công

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM), trong các báo cáo của QH, Chính phủ đều cho rằng nợ công đang trong giới hạn cho phép. “Nghe thì rất yên tâm, nhưng thực chất nợ công thế nào, có như Chính phủ báo cáo không? Nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước làm ăn thua lỗ, lãng phí như vậy, liệu đã tính đúng, tính đủ các khoản nợ công của VN chưa? Việc sử dụng vốn vay đầu tư cho phát triển như thế nào, chưa thấy Chính phủ có báo cáo cụ thể về hiệu quả sử dụng ODA”, ông Thiện đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ báo cáo QH đầy đủ về nợ công; giải pháp sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để tránh thất thoát, lãng phí; đặc biệt, phải làm rõ nguồn trả nợ công ở đâu.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng nghi ngờ con số nợ công như báo cáo. “Nợ công cứ nói ở mức cho phép, nhưng có những chuyên gia kinh tế đánh giá nợ công hiện nay phải đến 100% GDP. Trước những thông tin như thế, Chính phủ phải có báo cáo khẳng định an toàn nợ công thế nào, vì đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với an ninh tài chính quốc gia”, ông Thảo kiến nghị.

Kiểm điểm trách nhiệm về những “đề xuất trên trời”

 

Nợ công cứ nói ở mức cho phép, nhưng có những chuyên gia kinh tế đánh giá nợ công hiện nay phải đến 100% GDP. Trước những thông tin như thế, Chính phủ phải có báo cáo khẳng định an toàn nợ công thế nào, vì đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với an ninh tài chính quốc gia

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội)

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, nhiều ý kiến bức xúc về một số vấn đề nổi lên trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Đó là đề xuất xoay quanh đăng cai ASIAD 18 do Bộ VH-TT-DL chủ trì; Đề án đổi mới sách giáo khoa (còn gọi là Đề án 34.000 tỉ đồng) của Bộ GD-ĐT cũng đề xuất khoản tiền “trên trời”; trách nhiệm của ngành y tế trong ứng phó, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sởi với hàng trăm trẻ em tử vong…

“Qua theo dõi cho thấy, sau khi Ủy ban Văn hóa - Giáo dục -  Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH đặt vấn đề Bộ VH-TT-DL phải báo cáo đề án ASIAD 18 thì dư luận mới biết và có những phản ứng. Cử tri cho rằng cách thực hiện nhiệm vụ của ngành này, kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ… cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc. Cũng như phải xem lại kỷ luật phát ngôn của Bộ trưởng Y tế trong dịch sởi vừa qua”, bà Hà phản ánh.

Cũng theo bà Hà, những vấn đề cử tri bức xúc nhưng báo cáo của Chính phủ chỉ nêu một cách sơ sài, như đã tập trung chỉ đạo phòng chống dịch sởi; Thủ tướng đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18; Đề án 34.000 tỉ đồng cũng không có dòng nào đánh giá chi tiết… “Chính phủ cần có báo cáo đánh giá rút kinh nghiệm nghiêm túc về các sự việc trên trước QH”, ĐB này đề nghị.

Đây cũng là kiến nghị của ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM). Theo bà Thúy, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm các bộ ngành, địa phương dẫn tới những tồn tại vừa qua trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, điển hình là dịch sởi diễn biến nghiêm trọng như vậy nhưng không công bố dịch; chất lượng chính sách ban hành không được tốt. “Trách nhiệm của các bộ, ngành như thế nào? Chính phủ phải kỷ luật, xử lý như thế nào trước những vụ việc tạo ra dư luận không tốt về điều hành của Chính phủ”, bà Thúy bày tỏ.

ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nội) khi kết lại phiên thảo luận của tổ ĐB Hà Nội cũng cho rằng Chính phủ nên có báo cáo kiểm điểm sâu hơn, nghiêm túc hơn về các vụ việc trên. Lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, xung quanh thái độ trách nhiệm của ngành này, đặc biệt là dịch sởi vừa rồi, ông Phạm Quang Nghị nêu thực trạng: Ở thời điểm 62/63 tỉnh thành đều đã có người mắc bệnh sởi, Hà Nội 30 quận, huyện thì cả 30 đều có người nhiễm sởi; có tới 127 cháu bị chết, nhưng vẫn còn xảy ra tranh luận có dịch hay không có dịch, trách nhiệm công bố thuộc về ai… “Lúc đó tôi đã nói, ai phải công bố dịch thì làm theo quy định, nhưng tình trạng xảy ra như vậy thì phải thấy rất nghiêm trọng và thái độ ứng phó phải giống như đang ứng phó với đại dịch. Trước đây, khi có 10 người tử vong vì SARS, hay có khoảng 10 người chết vì dịch tả, đã công bố dịch rồi. Giờ dịch sởi mấy trăm người chết còn cứ tranh luận có dịch hay không có dịch, cách ứng phó của chúng ta không tương xứng với thực chất của vấn đề”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét.

Vì nghèo quá mà phải tự tử

Nói về một trong những tiêu chí không đạt được theo chỉ tiêu QH đặt ra là giảm nghèo, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) khẩn thiết: “Chưa bao giờ nhận thấy thực trạng nguy hiểm như bây giờ, vì nghèo quá mà có người phải bán thận, hoặc vì nghèo quá mà cả mẹ và con phải tự tử. Tại sao chính sách xóa đói giảm nghèo của chúng ta nói là đến từng người dân mà vẫn còn tình trạng đau lòng đó xảy ra? Thực sự có phải chạy theo thành tích không mà vẫn còn những hoàn cảnh bi đát như thế của người dân?”.

 Bảo Cầm - Thái Sơn

>> Mỗi người Việt đang gánh gần 20 triệu đồng nợ công
>> Thủ tướng cam kết giữ an toàn nợ công, xử lý nghiêm xả lũ sai
>> Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng lại không an toàn
>> Nợ công: Vay gần 691 nghìn tỉ đồng trong 3 năm
>> Nợ công VN tương đương 55,5% GDP  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.