Phai lạt tình thâm

22/11/2011 08:15 GMT+7

Cuộc sống tha phương khó khăn, nhiều đôi vợ chồng đành ngậm ngùi gửi con ở quê cho người thân. Từ đó, con cái trở nên xa lạ với cha mẹ.

Cuộc sống tha phương khó khăn, nhiều đôi vợ chồng đành ngậm ngùi gửi con ở quê cho người thân. Từ đó, con cái trở nên xa lạ với cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nam (tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM) rầu rĩ nhìn bé Anh Thi (3 tuổi) quấn quýt bên bà ngoại. Cả tuần nay, mỗi lần chị lại gần định nựng nịu con thì bé cứ giãy nảy: “Đi ra! Không chơi với chị đâu!”.

Nghe mà tủi thân…

Khi con gái được 8 tháng tuổi, tiệm sửa xe của chồng trở nên ế ẩm, nghề sửa quần áo của chị Nam cũng bấp bênh. Các khoản tiền sinh hoạt, tiền sữa cho con cứ chồng chất, vợ chồng chị đành gửi con cho bà ngoại ở Đắk Lắk. Mỗi tháng, anh chị gửi về 3 triệu đồng phụ nuôi con.

 
Kiệt (hàng đầu, bên trái) và mẹ (bìa phải) đang làm việc trên một công trình cầu đường

Mỗi năm, vợ chồng chị Nam mới có dịp về quê 1-2 lần thăm con gái do bận bịu công việc. Thế nhưng, Anh Thi luôn nhìn cha mẹ bằng cặp mắt xa lạ. Anh chị muốn chở con đi đâu cũng phải có bà ngoại theo, bé mới chịu. Nhìn cảnh con gái sà vào lòng bà ngoại kể chuyện tíu tít, anh chị không khỏi cảm thấy lạnh lẽo. Đến quần áo, Anh Thi cũng nhất quyết không cho cha mẹ thay. Những khi con đói bụng, chị Nam phải dụ dỗ mua quà bánh, bé mới miễn cưỡng gọi một tiếng “mẹ”.

“Con mình sinh ra giờ toàn gọi mẹ bằng chị, gọi ba bằng chú, nghe mà tủi thân. Nếu có điều kiện, chúng tôi đã để con ở chung với mình. Làm cha mẹ, ai lại muốn sống xa con... Bây giờ, trong mắt con bé, bà ngoại là người thân duy nhất, cha mẹ chỉ như người lạ. Mong sao vài năm nữa, khi có điều kiện hơn, vợ chồng tôi sẽ đón con lên TP nuôi ăn học” - chị Nam buồn bã.

Rất nhiều đôi vợ chồng khi đến TPHCM làm công nhân, vì cuộc sống tha phương khó khăn, họ đành ngậm ngùi gửi con về quê cho người thân. Dù đã có 2 con, cháu lớn 9 tuổi, nhỏ 7 tuổi nhưng vợ chồng chị Trần Thị Thủy, tạm trú tại phường An Lạc A, quận Bình Tân - TPHCM, cứ bị nhiều người lầm tưởng là “còn son”. Anh chị đều làm công nhân may, lương mỗi người chỉ 2,7 triệu đồng/tháng. Chị phải tính toán, dè sẻn chi tiêu mới có được 2 triệu đồng gửi về quê cho 2 con ăn học hằng tháng.

“Cả năm đi làm, chúng tôi chỉ trông đến ngày Tết để về Nghệ An gặp lại 2 con. Hồi mới 2-4 tuổi, nhớ cha mẹ, suốt ngày anh em nó khóc quấy ông bà nội, còn bây giờ thì đã quá quen hơi. Tết về, thấy cha mẹ, có khi anh em nó còn chạy trốn! Mang con vào TP thì không có tiền lo mà gửi ở quê thì chúng lại thiếu thốn rồi đâm ra phai lạt tình cảm với cha mẹ” - chị Thủy ray rứt.

Xa mặt cách lòng, nhiều đứa trẻ không còn mặn mà với cha mẹ. Trong lòng các cháu, những người thân nuôi dưỡng dần thay thế cho vị trí của đấng sinh thành.

Ở quê buồn lắm!

Trong căn lều lụp xụp được che tạm bằng những tấm bạt dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận - TPHCM, bà Tám đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm trưa. Gần đó, Kiệt (16 tuổi), con trai út của bà, lăng xăng phụ mẹ làm thức ăn. Trước đây, vợ chồng bà Tám rời quê An Giang lên TPHCM làm công nhân cũng gửi Kiệt lại cho người thân khi cậu đã 8 tuổi. Tháng nào, vợ chồng bà Tám cũng gửi tiền về cho con ăn học nhưng Kiệt chỉ theo được đến lớp 9.

“Vợ chồng tôi xa con, chấp nhận tình cảm lạt phai cũng vì lo tương lai của nó, vậy mà thằng bé lại không chịu học. Rốt cuộc, chúng tôi đành đưa con lên TP sống chung, bởi không muốn tương lai nó mờ mịt” – bà Tám tâm sự. Khi hỏi đến lý do nghỉ học, Kiệt bẽn lẽn: “Em mới nghỉ học hồi Tết này. Ba mẹ đi làm xa hoài, ở quê buồn lắm, bệnh cũng không có ai lo. Được theo ba mẹ lên TP sống chung, cực nhọc nhưng vui. Ngày nào đi phụ hồ về cũng được ăn cơm do mẹ nấu…”.

Cha của Kiệt phân trần: “Lần nào về quê, tôi cũng khuyên con ráng học, vậy mà nó nhất quyết nghỉ, nói sao cũng không nghe. Vợ chồng tôi quanh năm đi vắng, có bao giờ đụng vô sách vở của con đâu, nếu thằng bé có hỏi bài cũng không biết chỉ bảo ra sao... Bây giờ vợ chồng tôi chỉ biết cùng Kiệt ráng làm, dành dụm tiền để cho nó đi học nghề”.

Mỗi tháng, với công việc phụ hồ, Kiệt chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với em, niềm vui không phải từ những đồng tiền kiếm được mà chính là được sống bên cạnh cha mẹ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.