Phải ngăn cuộc chiến thương mại trở thành một 'cuộc chiến vô cực'

12/09/2018 13:39 GMT+7

Cho rằng nhận thức lợi ích của người này buộc phải phương hại đến lợi ích của người khác là sai lầm, lãnh đạo ASEAN kêu gọi thế giới tiếp tục kết nối, chia sẻ, hợp tác để tạo ra "tài nguyên vô cực", thay vì co cụm.

Việt Nam đề xuất “ASEAN một giá cước”
Phát biểu tại phiên toàn thể sáng nay (12.9) của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN không chỉ là công xưởng sản xuất của thế giới, mà trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN), ASEAN cũng được biết đến như khởi nguồn của nhiều sáng tạo trên thế giới. Cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho ASEAN là vô cùng lớn.
CMCN 4.0 đã tạo ra sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn như điện tử, hóa chất, thực phẩm, dược phẩm...; thúc đẩy phát triển bao trùm hơn, tạo ra kết nối, chia sẻ giá trị và sự sáng tạo mới; phát huy được các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn là xương sống của các nền kinh tế ASEAN, kết nối được các doanh nghiệp này với toàn thế giới; giúp các nước đi tắt trong công nghiệp hóa, vượt qua giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, cảm biến, vệ tinh... để nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên.
Bên cạnh đó, thách thức CMCN 4.0 mang lại cũng rất lớn, đó là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% số việc làm của các nước ASEAN có khả năng chuyển sang AI và robot, chấm dứt kỷ nguyên công xưởng thế giới của châu Á. Tuy nhiên, cũng nhiều chuyên gia cho rằng, những sinh kế mới sẽ xuất hiện trong CMCN 4.0.
Cuộc cách mạng này cũng sẽ tạo ra thêm thách thức về gia tăng chênh lệch thu nhập; những quốc gia nhiều tài năng, trí thức sẽ có thu nhập cao hơn, gia nguy cơ về bất ổn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể sáng 12.9 Ảnh Gia Hân
Để tận dụng được cuộc cách mạng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN cần đặt ra các ưu tiên chính sách của mình trên lăng kính cả khối.
Tại WEF ASEAN năm nay, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác trí tuệ, bảo đảm an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các nước đã có những “vườn ươm” nhân lực, công nghệ của riêng mình, nhưng cần thiết xây dựng mạng lưới vườn ươm khu vực; xây dựng chiến lược “ươm mầm ASEAN”; cùng nhau tìm kiếm tài năng, vì thiếu kỹ sư lành nghề là một thách thức lớn của khu vực. Thủ tướng đề nghị cần một sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những sự kết nối, hợp tác giữa các nước trong khu vực để “nói với thế giới rằng không khí hợp tác, lan tỏa đang hình thành trong ASEAN”.
“Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới; với quy mô kinh tế hơn 2.760 tỉ USD, là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 thế giới, cùng với việc hướng ra bên ngoài cần phát huy sức mạnh nội khối, vì đây là một thị trường đủ lớn cho các tầm nhìn, chiến lược phát triển cho tương lai”, Thủ tướng khuyến nghị.
Sẵn sàng cho “cuộc chiến chống lại Thanos”
Cũng tại sự kiện này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước ASEAN sẵn sàng cho cuộc chiến chống “Thanos” - một kẻ xấu muốn tiêu diệt 50% dân số toàn cầu để số còn lại có thể hưởng dụng mọi tài nguyên trên thế giới, bởi Thanos tin rằng tài nguyên là hữu hạn.
Ngược lại với quan điểm này, ông Widodo cho rằng tài nguyên con người là vô hạn. Với trí tuệ của mình, bằng sự phát triển khoa học công nghệ đang tạo ra hiệu suất ngày càng cao hơn, tiết kiệm tài nguyên hơn. Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng tất cả các nền kinh tế đang sử dụng tài nguyên vật chất một cách hiệu quả hơn.
Tài năng của con người là nguồn tài nguyên vô hạn.
Ông Widodo cho rằng, phải ngăn cuộc chiến thương mại trở thành một cuộc chiến vô cực.
“Các bạn có thể băn khoăn: ai là kẻ xấu, ai là Thanos? Thanos không phải là cá nhân nào. Thanos là bên trong tất cả chúng ta, là niềm tin vô căn cứ rằng để thành công chúng ta cần phải đầu hàng, là nhận thức sai lầm rằng lợi ích của người này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người kia. Cuộc chiến vô cực không phải cuộc chiến thương mại mà là cuộc chiến trong mỗi chúng ta. Cần học lại những bài học của lịch sử, với sự sáng tạo, năng lượng, sự hợp tác... nhân loại sẽ có sự đầy đủ và chúng ta sẽ hình thành không phải cuộc chiến vô cực mà tài nguyên vô cực”, ông Widodo nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.