Phải nộp Quỹ bình ổn 107 tỉ, doanh nghiệp mới nộp 1,6 tỉ thì 'hết khả năng'

05/02/2025 12:26 GMT+7

Có nghĩa vụ nộp ngân sách hơn 107 tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Công ty Bách Khoa Việt mới nộp được hơn 1,6 tỉ đồng thì không còn khả năng nộp tiếp.

Ở vụ án sai phạm về kinh doanh xăng dầu vừa bị Viện KSND tối cao truy tố, một trong hai doanh nghiệp trực tiếp liên quan là Công ty CP Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (gọi tắt là Công ty Bách Khoa Việt), địa chỉ tại Q.Tân Phú, TP.HCM.

Công ty này do bà Trần Thị Loan Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 9.2010 - 10.2019, sau đó người khác lên thay.

Phải nộp Quỹ bình ổn 107 tỉ, doanh nghiệp mới nộp 1,6 tỉ thì 'hết khả năng'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

"Bật đèn xanh" sau khi nhận tiền

Theo cáo trạng, với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt, bà Trần Thị Loan Phương đã đưa hối lộ cho ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổng số tiền 9,2 tỉ đồng. Công ty Bách Khoa Việt nhờ vậy đã được ông An ưu ái trong quá trình cấp phép kinh doanh xăng dầu.

Năm 2016, Công ty Bách Khoa Việt gửi hồ sơ đề nghị cấp phép đến Bộ Công thương. Ông An biết rõ doanh nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện về kho bãi, cầu cảng, phương tiện vận chuyển… nên một mặt ký văn bản chưa chấp thuận, mặt khác hướng dẫn bà Phương hợp thức cho đủ điều kiện.

Theo gợi ý của ông An, bà Phương giao cấp dưới liên hệ với các đại lý, cửa hàng để ký hợp đồng, hứa hẹn sẽ chiết khấu cao, đảm bảo nguồn cung. Doanh nghiệp này còn thuê 2 bồn với tổng sức chứa 39.000 m3 cùng hệ thống cầu cảng có trọng tải đến 20.000 DWT… nhằm đáp ứng hồ sơ. Về phía mình, ông An giao cấp dưới tại Vụ thị trường trong nước hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục.

Có đủ giấy tờ, Công ty Bách Khoa Việt gửi hồ sơ đề nghị cấp phép lần hai. Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra do ông An làm trưởng đoàn, để xác định doanh nghiệp có đủ điều kiện cấp phép hay không.

Thay vì kiểm tra toàn bộ, ông An chỉ đạo thành viên đoàn chỉ kiểm tra 6/10 cửa hàng, 21/42 đại lý, đồng thời không kiểm tra trực tiếp tại kho tiếp nhận xăng dầu cũng như cầu cảng, nhưng vẫn kết luận công ty đủ điều kiện. Từ căn cứ này, Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu cho Bách Khoa Việt.

Tại cơ quan điều tra, ông An thừa nhận việc ký biên bản kiểm tra là nhằm hợp thức điều kiện cho phía Bách Khoa Việt, sau khi đã nhận tiền "đi đêm". Ông An bị truy tố tội nhận hối lộ. Trong khi đó, bà Phương được miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ, vì đã chủ động tố giác hành vi của ông An trước khi bị cơ quan chức năng phát giác.

Phải nộp Quỹ bình ổn 107 tỉ, doanh nghiệp mới nộp 1,6 tỉ thì 'hết khả năng'- Ảnh 2.

Ông Trần Trác Việt Đức, Giám đốc và bà Đỗ Thị Tuyết Nga, Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Thất thoát ngân sách hơn 105 tỉ đồng

Vẫn theo cáo trạng, tháng 3.2021, sau gần 5 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của Công ty Bách Khoa Việt. Do công ty không còn hoạt động lĩnh vực này, Bộ Công thương quyết định thu hồi giấy phép.

Đáng chú ý, cơ quan tố tụng xác định từ khi được cấp phép đến ngày thu hồi giấy phép, Công ty Bách Khoa Việt đã xuất bán tổng cộng hơn 10,6 triệu lít xăng RON95, hơn 22,5 triệu lít xăng RON92 và hơn 538,5 triệu lít dầu diezel.

Đối chiếu với số lượng nêu trên, Công ty Bách Khoa Việt phải trích lập và nộp vào tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá (BOG) tổng số hơn 188 tỉ đồng, nhưng mới chỉ nộp hơn 155 tỉ đồng, không nộp hơn 32,3 tỉ đồng trong thời gian từ tháng 1.2019 - 6.2020.

Cũng theo số xăng dầu đã xuất bán, Bách Khoa Việt chỉ được chi sử dụng Quỹ BOG với tổng số tiền hơn 81 tỉ đồng, phần còn lại phải để trong tài khoản tiền gửi Quỹ BOG.

Tuy nhiên, do có nhiều khoản nợ phải thanh toán, ông Trần Trác Việt Đức, Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt đã chỉ đạo bà Đỗ Thị Tuyết Nga, Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt nhiều lần chi sử dụng không đúng mục đích Quỹ BOG, với tổng số tiền hơn 107 tỉ đồng.

Sau khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, Bộ Tài chính nhiều lần thông báo, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ nộp hơn 107 tỉ đồng vào ngân sách. Nhưng đến ngày 27.5.2021, Công ty Bách Khoa Việt mới chỉ nộp được hơn 1,6 tỉ đồng, hơn 105 tỉ đồng còn lại không có khả năng nộp tiếp, dẫn đến thất thoát ngân sách.

Với sai phạm nêu trên, ông Trần Trác Việt Đức và bà Đỗ Thị Tuyết Nga cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong khi đó, bà Trần Thị Loan Phương khai từ năm 2018 đã giao toàn quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp cho ông Đức, không chỉ đạo việc sử dụng không đúng mục đích Quỹ BOG. Vì thế, bà Phương không bị xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.