Phải ràng buộc chất lượng các trường đại học

26/05/2012 03:53 GMT+7

Thảo luận sáng qua 25.5 về dự luật Giáo dục đại học (GDĐH), nhiều ĐB Quốc hội đánh giá cao những chỉnh sửa của dự luật lần này và có thêm góp ý cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người học.

Phải ràng buộc chất lượng các trường đại học
Nhiều sinh viên phải thuê trọ không đảm bảo điều kiện sống trong quá trình học tập - Ảnh: Lê Thanh

Bảo vệ người học

 

Để văn bản dưới luật phân tầng, xếp hạng

Ở nước ta, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH là vấn đề mới. Từ thực tiễn đó, chúng tôi xin đề xuất với QH, trong dự thảo luật không nên quy định về những vấn đề chuyên môn, cụ thể liên quan đến phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH, cũng không nên quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đảm nhận để công nhận xếp hạng các cơ sở GDĐH như điều 8 dự luật hiện nay.

Dự thảo luật chỉ nên quy định chung về các tầng và các tiêu chí xếp hạng các cơ sở GDĐH. Còn các vấn đề cụ thể thì nên để văn bản dưới luật quy định. Theo cách tiếp cận đó, chúng tôi hiểu là từ thực tiễn phát sinh các vấn đề thì chúng ta dễ có điều chỉnh linh hoạt.

Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Thống nhất cao việc cần giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH nhưng nhiều ĐB cho rằng phải có cơ chế ràng buộc rõ hơn. Theo ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), luật ban hành kỳ này nếu không tính đến những quy định điều chỉnh ràng buộc đối với hoạt động chất lượng, hiệu quả của các cơ sở GDĐH thì không biết đến bao giờ mới khắc phục được những vấn đề bất cập hiện nay. ĐB Hương đề xuất cần quy định mức phần trăm tối thiểu về chất lượng, hiệu quả đào tạo mà các cơ sở GDĐH phải đạt được. Làm như vậy mới góp phần khắc phục được nạn sinh viên (SV) ra trường không sử dụng được, đào tạo không gắn với sử dụng, góp phần bảo vệ lợi ích của người học.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) phân tích: Theo kết quả khảo sát của Hội SV Việt Nam, khoảng 50% SV nước ta ra trường không có việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, theo dự luật hầu như chỉ mới dừng lại quy định về chính sách chứ không ràng buộc trên thực tế. Ví dụ, chính sách gắn đào tạo với việc sử dụng lao động thì không được quy định ở bất kỳ điều, khoản nào trong dự thảo.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị phải có biện pháp xử lý chặt chẽ để bảo vệ người học có chất lượng đào tạo được đảm bảo. “Không thể để tình trạng cứ xử lý về mặt hành chính hoặc đóng cửa mà không tính tới quyền lợi của người học, gây thiệt thòi rất lớn cho họ” - ĐB Tâm nói.

Phải có ký túc xá

Nhiều ý kiến thảo luận bày tỏ sự bức xúc vì trường ĐH chưa quan tâm đến chỗ ở cho SV và đề nghị cần phải đưa quy định này vào luật. ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nêu thực trạng hiện nay đa số các trường ĐH, CĐ không có ký túc xá hoặc có thì chỉ đáp ứng một phần nhu cầu rất nhỏ của người học. SV phải thuê nhà giá đắt, không an toàn và nhớp nháp để ở, không có ai giúp đỡ nên đã có rất nhiều tệ nạn xảy ra trong tầng lớp trí thức trẻ. Thêm vào đó, nhà nước phải tốn thêm một khoản kinh phí mà chưa chắc đã đến được tay SV, như miễn thuế cho các chủ nhà trọ. “Tôi đề nghị một trong những điều kiện cho phép thành lập trường ĐH là phải có ký túc xá, nơi sinh hoạt thể thao giải trí cho ít nhất 50% người học, sau đó phải tăng dần đến 100%” - ĐB Thảo đề xuất. Đồng quan điểm, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị cần quy định bắt buộc các trường đại học mới thành lập phải có đủ ký túc xá cho học sinh, và các trường ĐH đang hoạt động cũng phải có một lộ trình thật tích cực để có đủ ký túc xá cho người học. Đó cũng là một giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tuệ Nguyễn

>> Đại học đẳng cấp quốc tế được xếp hạng ra sao?
>> Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các trường ĐH-CĐ
>> Tiếp tục hoàn thiện dự luật Giáo dục đại học  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.