Báo cáo do Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) Đặng Hoàng An trình bày tại hội nghị cho thấy, điện sản xuất và mua năm 2016 là 176,99 tỉ kWh, tăng 10,8% so với năm 2015. Điện thương phẩm đạt 159,45 tỉ kWh, tăng 11,0% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm qua ước đạt 264.680 tỉ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015 song EVN chưa công bố lợi nhuận mà chỉ thông báo lợi nhuận kinh doanh điện của công ty mẹ lẫn 9 tổng công ty thành viên đều "đạt cao hơn kế hoạch".
Chi phí điện sẽ tăng thêm gần 4.600 tỉ đồng
Theo kế hoạch, điện sản xuất và mua ngoài trong năm 2017 sẽ tăng lên 197,2 tỉ kWh, tăng 11,4% so với năm 2016; điện thương phẩm là 177,9 tỉ kWh, tăng 11,5% so với năm 2016. Đáng chú ý, ông An cho hay việc giá than trong nước vừa tăng thêm 7% từ ngày 24.12.2016 sẽ khiến chi phí sản xuất điện của năm 2017 tăng thêm 4.620 tỉ đồng.
Một khó khăn khác của EVN là sản lượng điện tự sản xuất chỉ chiếm 43,5% nên việc đảm bảo cung ứng điện phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện bên ngoài. Bên cạnh đó, nguồn điện chạy dầu dự kiến huy động năm 2017 lên đến 2,2 tỉ kWh (gấp đôi năm 2016) sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN. Mặt khác, theo ông An, các vấn đề liên quan đến chi phí đầu vào của sản xuất giá điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện đồng thời với việc thu xếp vốn gặp khó khăn do Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn trong khi tập đoàn và các đơn vị đã vượt ngưỡng vay sẽ là thách thức cho tập đoàn năm tới.
Lo nhất là nguồn điện cho miền Nam
|
“Dù điện đã có dự phòng nhưng không đều, quá thấp, nhất là miền Nam, tôi đã báo động chuyện này nhiều lần rồi. Một số dự án nhiệt điện ở miền Nam, dù không phải do EVN làm chủ đã rõ nguy cơ không kịp tiến độ. Cho nên, với trách nhiệm chủ lực, EVN cần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn vì nếu thiếu điện thì dẫn đến hậu quả khôn lường”, Thủ tướng nói và cam kết hỗ trợ tập đoàn tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế trong thẩm quyền.
Nhắc lại câu chuyện dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng đặc biệt lưu ý ngành điện nói chung và EVN nói riêng phải sớm tính toán cụ thể nguồn điện bù đắp. “Ví dụ như dự án điện tích năng công suất 1.200 MW ngay tại Ninh Thuận thì sao, có làm ngay được không, cần cơ chế gì chứ không thể để nước đến chân mới nhảy”, Thủ tướng thúc giục. Liên quan đến xử lý hậu dự án, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở việc sử dụng cơ sở vật chất đã có phải phù hợp, tránh tình trạng các công trình đã xây dựng nhưng rồi bỏ hoang như từng xảy ra với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở không vì áp lực nguồn điện mà các dự án để người dân bức xúc về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điểm lại vụ việc người dân phản đối sự cố ô nhiễm do tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không làm nhiệt điện bằng bất cứ giá nào, nhất là để ảnh hưởng môi trường sống người dân”.
EVN được người dân chấm điểm 7,69/10
Báo cáo của EVN cũng cho hay kết quả đánh giá của tư vấn độc lập cho thấy năm qua chỉ số hài lòng dịch vụ trung bình toàn tập đoàn được người dân chấm ở mức 7,69 điểm trong thang điểm 10. Con số này tăng 0,42 điểm so với năm 2015.
Trong các chỉ số phụ, đáng chú ý là thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp bình quân là 6,52 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu là 10 ngày, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của VN được Ngân hàng Thế giới công bố năm qua đã tăng 5 bậc, đứng ở vị trí 96/190.
|
Bình luận (0)