Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm việc về bồi thường với 7 người dân bị oan sai trong vụ án cướp 5 chỉ vàng xảy ra năm 1979 tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh), và cho rằng chỉ bồi thường 1.386 ngày bị bắt giam oan sai, còn lại 13.112 ngày mang thân phận bị can thì không được tính, vì “có thể các nạn nhân được trao quyết định đình chỉ điều tra rồi về trình diện chính quyền địa phương nhưng sau đó vì một số lý do quyết định bị thất lạc”.
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 quy định nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường là phải cung cấp chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường. Như vậy, từng khoản tiền từ các chi phí đi lại, ăn ở, chi phí làm đơn thư khiếu nại hoặc giấy tờ tài liệu về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam, tạm giữ... chính người bị thiệt hại phải lưu giữ theo thời gian và nộp đầy đủ khi có đơn yêu cầu bồi thường. Trường hợp hồ sơ, tài liệu liên quan bị mất, thất lạc, đồng nghĩa với việc yêu cầu bồi thường đó không được xem xét. Và đặc biệt, nếu 7 người dân bị oan sai liên quan không nhận được các quyết định đình chỉ thì sẽ không có câu chuyện được bồi thường oan sai.
Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường theo luật định là phải xác minh thiệt hại. Chính 7/8 người bị oan sai trong vụ án không nhận được các quyết định đình chỉ điều tra họ đã liên tục khiếu nại và yêu cầu được nhận nhưng luôn bị từ chối. Mãi đến khi Viện trưởng Viện KSND tối cao vào cuộc, yêu cầu làm rõ, thì ngày 4.4.2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân còn lại (ảnh), khi đó các nạn nhân khá bất ngờ khi được Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao cho sao y bản chính quyết định đình chỉ điều tra được ký vào ngày 11.5.1983.
“Công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật...” là một trong những nguyên tắc bồi thường của nhà nước, vì vậy, hy vọng bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại có thể ngồi lại hòa giải, thương lượng để đưa ra một con số phù hợp và sẽ không phải đưa nhau ra tòa.
Bình luận (0)