Không chỉ khiến cho chiến dịch kích cầu du lịch đang ở giai đoạn đạt hiệu quả cao nhất phá sản, nó còn khiến nhiều doanh nghiệp ôm nợ kép.
Đó là lý do, nhiều người sốt ruột cho một cuộc kích cầu lần 2 với các địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh để tận dụng những dịp lễ lớn từ nay đến cuối năm.
Tại cuộc họp trực tuyến cuối tuần trước, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết đơn vị này cũng chuẩn bị sẵn kịch bản kích cầu lần 2 sau dịch. Chuẩn bị sớm là điều cần thiết nhưng để "sống" đến lúc kích cầu là chuyện không đơn giản với rất nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, vốn chiếm đa số trong ngành này. Và đó mới là vấn đề cần phải bàn bạc và có giải pháp cụ thể lúc này.
Số liệu tại buổi trực tuyến cho thấy 90% DN lữ hành tại TP.HCM đã ngưng hoạt động, số còn lại thì cố gắng cầm cự trong vô vàn khó khăn. Trên cả nước, tình trạng cũng tương tự, cứ nhìn con số hủy tour, hủy phòng ở hầu hết các điểm đến ở khắp nơi trên toàn quốc sẽ thấy du lịch gần như đã đóng băng trở lại. Cú đánh bồi lần này, nói theo một số lãnh đạo ngành du lịch cũng như một số DN, là đã có kinh nghiệm ứng phó. Thế nhưng, đó chỉ là lạc quan tếu. Ngay cả "ông trùm" trong ngành du lịch nội địa, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng thừa nhận đòn giáng lần này khiến ông và cả Vietravel sững sờ và tháng 8, tháng được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu kỷ lục bỗng trở thành tháng buồn nhất với đơn vị này.
Thế nên "kinh nghiệm ứng phó" với nhiều DN lúc này chỉ là bấm nút "tạm ngưng" vô thời hạn nếu không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành từ đợt dịch bệnh đầu tiên như lãi vay thấp, giãn, giảm thuế, phí, nợ, bảo hiểm... và tiếp sức bằng kéo dài thời gian có hiệu lực của các chính sách cũng như nghiên cứu giảm thêm tiền điện, nước, lãi vay, thuê mặt bằng... để DN có thể sống được đến lúc dịch bệnh được khống chế, người dân có thể tự tin đi du lịch trong an toàn.
Thực tế, cú đánh bồi của dịch Covid-19 lần này đẩy các DN lữ hành vào thế kẹt. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hủy phòng du lịch ở nhiều địa phương lên đến 98 - 100% và tình hình này vẫn đang tiếp tục.
Cùng với việc hủy tour, hầu hết khách đều muốn lấy lại tiền cọc trong khi các doanh nghiệp lữ hành đã bỏ ra tiền đặt cọc các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vé máy bay... Lấy lại cọc của các đối tác không hề đơn giản, đa số chỉ cho "bảo lưu" nhưng thương lượng để "bảo lưu" tiền cọc, tiền tour của khách hàng thì rất khó, không khéo có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, mất cả chì lẫn chài. Đó chính là thế kẹt của các DN lữ hành hiện nay. Thế kẹt lại đến ngay thời điểm nội lực suy kiệt từ đợt dịch bệnh đầu tiên chưa hồi phục, đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng hấp hối.
Dịch bệnh có cú đánh bồi thì chính sách hỗ trợ cho du lịch nói riêng và các ngành khác nói chung, cũng cần được gia tăng để bảo toàn lực lượng. Đó là việc thiết thực nhất lúc này, rồi mới tính đến kịch bản kích cầu lần 2.
Khi dịch bệnh chưa thể khống chế, an toàn của người dân, sự tồn tại của DN mới là chuyện quan trọng nhất.
Bình luận (0)