Phải thay đổi chuyện cấp phép ca khúc

16/04/2017 10:05 GMT+7

'Với những điều báo chí phản ánh vừa qua, ở góc độ quản lý anh em nên xem xét lại, những cái chưa phù hợp với cuộc sống thì điều chỉnh', Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Vương Duy Biên nói.

Ông Vương Duy Biên
Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) bất ngờ quyết định tạm dừng lưu hành và đến nay đã rút lại quyết định liên quan đến 5 ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi và Đừng gọi anh bằng chú, đồng thời nhiều ca khúc đã lan tỏa trong cộng đồng với những ý nghĩa, giá trị tốt đẹp lại cho rằng chưa được cấp phép như Nối vòng tay lớn (sáng tác: Trịnh Công Sơn), Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)... đã lộ rõ nhiều bất cập trong công tác quản lý, cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam VN. Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL).
* Thưa ông, năm 2012, khi ông còn là Cục trưởng Cục NTBD, Cục đã có văn bản hướng dẫn các sở VH-TT-DL rà soát và kêu gọi các cá nhân, đơn vị cung cấp danh sách các sáng tác trước năm 1975 để chủ động cấp phép và công bố. Vì sao công việc này lại bị gián đoạn?
- Cục NTBD là đơn vị được Bộ VH-TT-DL giao cho nhiệm vụ đó và rất mong muốn nhận được các bài hát do địa phương, nhạc sĩ, nghệ sĩ gửi về để tổng hợp đầy đủ, công bố lên trang điện tử cho mọi người biết. Nhưng tôi có cảm giác việc đó không được hưởng ứng. Tự nhiên phải đi lục lọi, tìm kiếm lại, mất rất nhiều công sức, nhiều đơn vị ở các địa phương cũng ngại. Một mình Bộ hay Cục không thể làm được mà cần phải có sự phối hợp của các địa phương, các đơn vị.
* Thế nhưng ca sĩ Ánh Tuyết cho biết khi đó bà đã gửi bản sao hơn 3.000 ca khúc sáng tác trước năm 1975, nhưng cơ quan quản lý có vẻ... thờ ơ?
- Cái gì mà trước đây chúng ta làm chưa tốt thì sẽ phải điều chỉnh. Thực tế, tôi không nghĩ cơ quan quản lý là chuẩn mực, vì thế vừa làm vừa phải điều chỉnh, vừa làm vừa phải tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dần.


* Cũng có ca khúc đã được Cục NTBD cấp phép, nhưng đến khi về sở VH-TT địa phương lại không được duyệt. Cần làm thế nào để có sự thống nhất trong quản lý?
- Đây là điều tôi rất mong. Từ khi tôi còn công tác tại Cục NTBD đã mong muốn công tác quản lý phải thống nhất toàn quốc. Đúng là nước mình còn có những phong tục tập quán vùng miền khác nhau. Ví dụ, bài này phù hợp với nơi này, nhưng lại không được đón nhận ở nơi kia. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên thống nhất trong công tác quản lý.


* Cơ chế xin - cho trong việc cấp phép ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang cho thấy nhiều sự bất hợp lý. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Đúng là cái đấy tới đây phải xem lại, cải tiến theo xu hướng tinh giản, gọn nhẹ nhất. Nhiều lĩnh vực mình chưa theo kịp thì phải thiện chí, phải cầu thị để làm thế nào mang tính phục vụ tốt nhất. Nhiều ca khúc mà bản thân tôi không nghĩ bây giờ vẫn chưa được cấp phép nên phải tính lại cách thức như thế nào để đảm bảo quản lý chặt chẽ. Nhưng quản lý chặt chẽ ở đây để mà phát triển chứ không phải chặt theo nghĩa bó chặt nó lại, làm khó cho các đơn vị, làm khó cho hoạt động biểu diễn. Phải cải cách trên tinh thần lắng nghe ý kiến của báo chí, dư luận nhưng thay đổi như thế nào để đạt được tiêu chí như tôi vừa nói là không đơn giản.
* Ông nghĩ thế nào về ý kiến đề xuất cơ quan quản lý chỉ cần công bố danh sách các ca khúc cấm?
- Tôi biết đã có hướng đề xuất là bài hát nào cấm thì mình đăng lên công khai để mọi người biết còn tránh, còn lại để mọi người thoải mái hát những bài không bị cấm. Nhưng hôm tôi trao đổi với anh em ở Cục NTBD thấy có cái khó là có thể có những ca khúc mà tác giả hoặc gia đình chưa công bố. Khi danh sách vừa công bố xong, có thể có người lấy lý do ca khúc không nằm trong danh sách cấm vẫn hát được, nhưng ca khúc đó lại đi ngược với chính sách thì cũng không được. Nên bây giờ, cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu cách nào để vừa phải quản lý được, vừa thuận tiện cho người sử dụng ca khúc.
Tự nguyện được Thanh Thúy thể hiện rất nhiều lần trong những sự kiện trọng đại của đất nước. Ca khúc này cũng chưa có trong danh mục cấp phép phổ biến Ảnh: Độc Lập
Có lẽ, qua những vấp váp vừa rồi, chúng ta cảm thấy còn có vấn đề này, vấn đề kia thì phải xem xét, bổ sung, chỉnh sửa luật hay quy định. Chúng ta không ngại những chuyện ấy
* Vừa qua xảy ra việc nhiều ca khúc nổi tiếng có nội dung tư tưởng tốt nhưng vẫn chưa được cấp phép. Trước đây ở vị trí Cục trưởng Cục NTBD ông đã đưa quan điểm là với những tác giả có tài năng đặc biệt, những tác phẩm đã lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, cơ quan quản lý sẽ xét theo cách thức riêng. Không biết việc này bị vướng ở đâu nên đến nay vẫn chưa thực hiện được?
- Thực ra cũng chẳng vướng đâu, nhưng cơ quan quản lý đôi khi hơi cứng nhắc trong các thủ tục. Tôi quan niệm là công tác quản lý cũng là một nghệ thuật. Làm thế nào để đảm bảo tốt về nội dung nhưng phải linh hoạt trong việc xử lý, và làm thế nào tốt nhất, gọn nhẹ nhất cho các đối tượng có nhu cầu, thế thì mới đảm bảo cho sự phát triển. Thời xưa, có khi cái gì không quản lý được thì cấm cho xong, cách đấy cũ rồi. Bây giờ đòi hỏi bản thân người quản lý phải nâng tầm mới để theo kịp cuộc sống.
* Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có hướng thay đổi như thế nào trong cách thức quản lý, thưa ông?
- Sẽ phải làm việc lại, rà soát lại theo hướng như tôi vừa nói, tức là văn bản mới sửa, mới làm mà phát hiện thấy phát sinh những cái mới thì mình lại điều chỉnh. Việc xây dựng luật, nhất là ở từng lĩnh vực, đòi hỏi có thời gian đi vào cuộc sống mới thấy được cái gì bất cập. Việc quản lý này là động chứ không phải tĩnh. Có lẽ, qua những vấp váp vừa rồi, chúng ta cảm thấy còn có vấn đề này, vấn đề kia thì phải xem xét, bổ sung, chỉnh sửa luật hay quy định. Chúng ta không ngại những chuyện ấy.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục NTBD tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm
Ngày 16.12.2016, Sở VH-TT TP.HCM có công văn gửi Cục NTBD về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975, kèm theo đó là danh mục một số bài hát đã có quyết định cho phép phổ biến. Ngày 24.2 và 22.3.2017 Cục NTBD ra Công văn số 110/NTBD - QLBD và Quyết định số 20/QĐ - NTBD yêu cầu tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến.
Ngày 10.4, thông tin chương trình Nối vòng tay lớn do ĐH Y Dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức gặp khó khăn vì ca khúc chủ đề cùng 3 ca khúc: Ca dao mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội được Cục NTBD cho rằng chưa được cấp phép phổ biến càng khiến công chúng phản ứng dữ dội.
Ngày 12.4, Cục NTBD đã cấp giấy phép phổ biến rộng rãi trên toàn quốc ca khúc Nối vòng tay lớn, sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cùng ngày, Hội Nhạc sĩ VN đã có công văn gửi Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư nhận định 5 ca khúc mà Cục NTBD yêu cầu tạm dừng lưu hành không vi phạm quy định của nhà nước.
Ngày 14.4, Bộ VH-TT-DL ra Văn bản số 1575/BVHTTDL - VP do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên ký yêu cầu Cục NTBD thu hồi Quyết định số 20/QĐ - NTBD. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc đã được cấp phép phổ biến nêu trên. Cùng ngày, Cục NTBD đã ra Quyết định số 39/QĐ-NTBD thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD và Công văn số 110/NTBD - QLBD vì lý do: không đủ cơ sở tạm thời dừng phổ biến 5 ca khúc.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu Cục NTBD phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ VH-TT-DL trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài hát sáng tác trước năm 1975 và bài hát do người VN định cư tại nước ngoài sáng tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt, có chất lượng nghệ thuật được phổ biến rộng rãi phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Ngọc An - Nguyên Vân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.