Giảm tối đa các chuyến bay đi/đến Hà Nội, TP.HCM
Xử lý nhiều trường hợp trốn khỏi khu cách ly tập trung
Hôm qua (29.3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 TP trực thuộc T.Ư. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh tại VN đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện; hoặc các trường hợp xâm nhập có mang vi rút nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Đáng chú ý, thống kê cho thấy có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm Covid-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.
Hà Nội đã kiến nghị phong tỏa BV Bạch Mai 10 ngày trước
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Bệnh viện (BV) Bạch Mai có đầy đủ yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao khi có rất nhiều bệnh nhân (BN) nặng; hằng ngày có từ 5.000 - 7.000 người khám chữa bệnh… Đáng lo ngại nhất là sau ngày 20.3 BV Bạch Mai đã chuyển 5.113 BN về các tỉnh; đã có lây nhiễm ra ngoài. Ông Chung phân tích nguy cơ lây nhiễm đến từ gần 3.000 BN HIV được phát thuốc từ 9 - 14.3 là rất lớn. Nguy cơ tiếp theo đến từ Công ty Trường Sinh (chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống cho BV Bạch Mai) với 23 người hằng ngày đưa phích nước vào BV. Bộ phận nấu cháo phở cung cấp theo yêu cầu cho BN... Ngoài ra, BV có khoảng 2.000 - 3.000 học sinh, sinh viên của Hà Nội và các tỉnh thành ăn uống và học tập tại đây, nhưng đã được BV trả về từ 20.3.
Bạch Mai là BV hạng đặc biệt có quy mô 3.000 giường bệnh (theo kế hoạch), với gần 4.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế. Tại BV (cơ sở ở đường Giải Phóng, TP.Hà Nội) mỗi ngày có hàng ngàn người là nhân viên y tế, sinh viên, BN và người nhà, người thăm bệnh ra vào, trong đó thường có khoảng 3.500 BN nội trú, 3.500 - 4.000 người đến khám bệnh.
BV có 26 khoa lâm sàng: cấp cứu, hồi sức tích cực; 2 khoa khám chữa bệnh (khám BHYT và theo yêu cầu); thần kinh; nội tiết; sản; nhi; mắt; da liễu; xương khớp; 3 khoa cận lâm sàng (hóa sinh, vi sinh, thăm dò chức năng); dược; chống nhiễm khuẩn... BV còn có 11 trung tâm (Bệnh nhiệt đới, Hô hấp, Chống độc, Dị ứng, Ung bướu, Huyết học - Truyền máu, Đào tạo chỉ đạo tuyến, Giải phẫu bệnh, Dinh dưỡng lâm sàng, Điện quang, Phục hồi chức năng), 1 trường cao đẳng y tế, 3 viện (Tim mạch, Sức khỏe tâm thần, Giám định y khoa); 6 phòng và 3 đơn vị, Tạp chí Y học lâm sàng… BV là hạt nhân - đảm nhận chuyển giao kỹ thuật cho các BV vệ tinh; thực hiện nhiều kỹ thuật cao: phẫu thuật robot, can thiệp và phẫu thuật tim mạch...
Nam Sơn
|
Theo ghi nhận của Hà Nội, BV Bạch Mai đã có gần 20 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (đến sáng 29.3, Bộ Y tế mới công bố 12 trường hợp - PV). Có trường hợp đi theo đoàn công tác xuống BV Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam hay đi về Nam Định, Ninh Bình cũng dương tính.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội kiến nghị Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cung cấp 15.000 - 20.000 test nhanh để Hà Nội triển khai xét nghiệm (XN) nhanh với những người liên quan đến BV Bạch Mai. Hà Nội cũng mong được hỗ trợ que lấy mẫu XN Covid-19 bằng công nghệ Realtime PCR (công nghệ các đơn vị được cấp phép XN khẳng định hiện nay đang sử dụng); bổ sung nguồn cung trang thiết bị y tế; máy thở… và được công bố ca mắc Covid-19.
Ông Chung đồng thời đề xuất Thủ tướng cho ý kiến về việc không nên để những lao động làm ở khách sạn, nhà hàng hay những người làm trong các cửa hàng, bán lẻ quần áo trong khu phố cổ… về quê, để tránh nguy cơ mang mầm bệnh về các tỉnh, thành khác. “Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép một số cơ quan hành chính ở Hà Nội và kể cả ở các tỉnh tạm nghỉ 1 tuần đến 10 ngày, thì sự lây lan của dịch sẽ được ngăn chặn, sẽ trở thành các đám cháy lốm đốm. Các cơ quan y tế sẽ dập dịch nhanh, không cho lây lan ở các chỗ đông người”, Chủ tịch TP.Hà Nội kiến nghị.
|
TP.HCM cam kết không để quá 150 ca nhiễm
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ trước tết, sau khi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 là người Trung Quốc thì TP đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó bám sát tình hình thực tế. Đến nay, TP đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. TP chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường, 4 cơ sở điều trị chuyên sâu với quy mô 2.300 giường, 47 BV sẵn sàng thu dung, điều trị quy mô 700 giường, có thể mở rộng lên 1.000 giường.
Tối 29.3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 TP trực thuộc T.Ư về phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những nội dung đáng chú ý tại thông báo là việc Thủ tướng yêu cầu các TP sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, BV dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật. Với UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn TP. Đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống.
Chí Hiếu
|
Ông Phong cho biết TP đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó, kể cả những tình huống xấu nhất và cam kết sẽ không để vượt quá 150 ca nhiễm Covid-19. Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT xem xét hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi từ TP cũng như vận tải hành khách đường sắt tại ga Sài Gòn. Các chuyến bay quốc tế đã không còn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vẫn còn các chuyến bay quốc nội với công suất khoảng 6.000 khách/ngày. TP cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT có giải pháp tạm dừng và hạn chế dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb do không quản lý được người đến thuê, đặc biệt là người nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về các chế độ, chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch để các địa phương thực hiện.
Tính đến 18 giờ ngày 29.3, TP.HCM đã có 45 ca dương tính Covid-19, trong đó có 7 ca đã xuất viện (3 ca cũ và 4 ca mới). Tình hình sức khỏe các BN còn lại đều ổn định, đang được tiếp tục điều trị, theo dõi. Hiện có 9.260 ca được cách ly ở khu cách ly tập trung của TP; 544 ca đang được theo dõi tại khu cách ly tập trung quận huyện; 1.687 ca đang được theo dõi tại nhà. Ngoài ra, TP còn có 5 ca đang đợi kết quả XN và 4.786 ca tiếp xúc với các ca bệnh dương tính đang được theo dõi.
|
Theo dõi, xử lý từng trường hợp
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch, nhất là ở BV Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.HCM). "Như với BV Bạch Mai, phải tìm cho được khoảng 40.000 người ra vào thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp. Tăng cường năng lực XN tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác, để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.
Liên quan đến BN làm việc tại Công ty Trường Sinh, trong khi về địa phương (tỉnh Thái Nguyên) đã không khai báo từ BV Bạch Mai về mà lại khai "ở nhà không đi đâu", Thủ tướng đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý BN này để răn đe, giáo dục. Nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, phải “chống dịch như chống giặc”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Từ đó, bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm, để ngăn chặn ngay lập tức; khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải, cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng nếu cần thiết thì lập hệ thống trung tâm của từng TP để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh. Tăng cường huy động thêm các BV khác để điều trị BN Covid-19 ở một số địa phương. Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến VN và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, TP.HCM đến các sân bay địa phương trong 2 tuần tới.
Thủ tướng cho rằng lần này dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, vì vậy, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận. Điều hệ trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn TP, bởi thành công trong phòng chống dịch Covid-19 của từng TP cũng là thành công cho cả nước.
|
Bình luận (0)