Thật ra thì không một người thầy nào muốn học trò mình làm “điều ác” với đồng nghiệp. Lý thuyết sách vở là vậy! Thực chất bên ngoài “trang sách”, người ta vẫn truyền dạy cho các cầu thủ chiêu này chiêu khác, tiểu xảo này, mưu mẹo kia để ngăn chặn đối thủ. Lâu dần, cầu thủ bị nhiễm thói xấu mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp, đánh mất “tính bổn thiện” khi hành nghề. Lâu dần, kiểu chơi bóng dằn mặt đối thủ, dùng chiêu trò, đá rát, đá rắn đã ăn sâu vào suy nghĩ của cầu thủ và mỗi khi ra chân thì dễ tạo thành phản xạ tiêu cực, xấu xí trong những tình huống mà chúng ta hay gọi là “ đối kháng” trong bóng đá.
Hành vi trong bóng đá cũng giống như ứng xử trong đời sống xã hội. Đá theo cách phá đối phương thì luôn dễ hơn để thi triển năng lực phẩm chất và kỹ năng chuyên môn. Thành ra, khi kém tài trước đối phương, người ta có khuynh hướng dùng bạo lực để khỏa lấp.
Bóng đá thế giới cũng không thiếu những cú vào bóng kiểu “hành vi của gã đồ tể” để ngăn chặn đối thủ của mình. Ở Việt Nam, hành vi chơi bóng thô bạo này cứ lặp đi lặp lại. Thậm chí, nó trở thành thứ “đặc sản” xấu xí trong phong cách chơi bóng của một bộ phận cầu thủ.
Nếu một lần, có thể gọi đó là bất khả kháng! Nhưng khi cái xấu, cái sai cứ lặp lại nhiều lần thì nhất định đó là cái sai của hệ thống, của sự thiển cận trong tư duy đào tạo dẫn đến hình thành nên cố tật “chém đinh chặt sắt” để hạn chế sức mạnh phía bên kia.
Trở lại trường hợp của Ngô Hoàng Thịnh, đã gợi cho người ta nhớ lại những pha vào bóng “trên mức quyết liệt” của Quế Ngọc Hải, Trần Đình Đồng khiến các đồng nghiệp sớm nói lời từ giã nghiệp bóng đá. Đó là những “vết nhơ” khó phai khiến người hâm mộ không thể chấp nhận. Thành ra không còn ngôn ngữ, câu chữ nào khác hơn ngoài những cụm “chơi bóng bạo lực”, “vào bóng ác ý”.
Trong khuôn khổ một trò chơi, chưa bao giờ người ta chấp nhận giải pháp bạo lực để ngăn chặn đối thủ. Ngay cả trò chơi mà người ta coi là bạo lực là các môn võ... thì tất cả cũng phải theo các giới hạn luật đặt ra.
Phải thừa nhận, trong quá trình phát triển bất kỳ môn chơi nào, khó mà triệt tiêu triệt để những xấu xí, tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta không lên án nó, không có giải pháp thường xuyên, liên tục với nó thì cái xấu sẽ lấn ác, lúc đó nhiều hệ lụy sẽ xảy đến.
Trong bất kỳ bối cảnh nào, bạo lực trong bóng đá cũng khó được chấp nhận. Mọi biện minh không thể bằng lời nói, mà bằng quá trình, hành vi. Chỉ có từ bỏ tư duy bạo lực “núp bóng” sự máu lửa, may ra mới không tái diễn những pha bóng ghê rợn như vậy.
Bình luận (0)