Mạng xã hội và sử dụng mạng xã hội là chủ đề nóng được nhiều đại biểu dự Đại hội Công đoàn lần thứ 12 đang diễn ra tại Hà Nội quan tâm.
Đại biểu Phạm Quân Ca, công nhân Công ty TNHH sản xuất phanh Nissin Việt Nam (đóng tại tỉnh Vĩnh Phúc), đặt câu hỏi: “Chính phủ sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội như thời gian vừa qua, để công nhân yên tâm làm việc, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ?”.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT, nhìn nhận hiện có nhiều thông tin giả, thông tin sai lệch, lý do là nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ TT-TT đang hoàn thiện khung pháp lý cũng như làm việc với công ty cung cấp dịch vụ thông tin người tham gia mạng xã hội chính danh như tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân... Khi đó, những thông tin đưa lên mạng xã hội có trách nhiệm hơn.
Theo ông Hùng, đã đến lúc cần phải xử lý những thông tin sai phạm trên không gian mạng. “Trước mắt cần hoàn thiện khung pháp lý để chúng ta có thể giải quyết những tồn tại. Không gian gian mạng như một môi trường. Nếu thông tin tốt nhiều thì thông tin xấu sẽ nhỏ đi”, ông Hùng nói.
Về phía công đoàn, Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ: “Công đoàn cũng cần chủ động đưa ra những thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp cũng cần có 1 Fanpage để đưa thông tin chính thức của công đoàn. Hiện nay, Bộ TT-TT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang làm việc để xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội ở từng khu công nghiệp. Tôi nghĩ rằng, nếu đẩy những thông tin chính thống lên mạng xã hội nhiều hơn, thì mạng xã hội sẽ lành mạnh hơn”.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo nâng cao nhận thức, cách hiểu mạng xã hội, cách sống với mạng xã hội, trong không gian mạng. Theo ông Hùng, trước đây chúng ta sử dụng thông tin chính thống là nhiều. Thông tin chính thống được xác thực, có trách nhiệm, là bộ lọc cho mỗi người. Còn thông tin trên mạng xã hội thiếu tính xác thực.
Ông Hùng bày tỏ: “Mỗi cá nhân chúng ta cần có bộ lọc của riêng mình. Nếu ai đọc cũng tin ngay thì rất nguy hiểm. Tới đây, việc đào tạo nâng cao nhận thức, cách mà chúng ta sống và ứng xử trên mạng xã hội, không chỉ cần với người lớn mà có lẽ nên đưa vào chương trình giáo dục phổ thông”.
Ngoài những giải pháp truyên truyền, theo ông Hùng, đã là công nghệ chắc chắn phải sử dụng giải pháp công nghệ. Ông Hùng cho biết tới đây sẽ có 1 trung tâm quốc gia về an toàn thông tin trên không gian mạng.
“Hiện Thủ tướng đã giao Bộ TT-TT triển khai bước đầu. Chúng ta có thể giám sát đánh giá thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng. Sau đó, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, làm việc với cá nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước yêu cầu họ tuân thủ làm sao chúng ta có thể sàng lọc thông tin xấu độc, làm cho không gian mạng lành mạnh hơn”, ông Hùng thông tin.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết tới đây, trong chương trình Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12 sẽ đặc biệt quan tâm đến thông tin chính thống trên mạng xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT có chương trình đào tạo, bồi dưỡng tuyên truyền, giác ngộ cho giai cấp công nhân theo đúng chủ trương của Đảng.
Bình luận (0)