Ở vết mụn nước, chất dịch hình thành giữa 2 lớp da. Chất dịch này có thể là trong suốt hoặc chứa đầy máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Không mang vớ hoặc mang giày không vừa sẽ khiến da ma sát quá nhiều với giày, dẫn đến phồng chân |
SHUTTERSTOCK |
Có nhiều loại mụn nước khác nhau. Trong đó, 3 loại phổ biến nhất là do tiếp xúc với nhiệt độ nóng gây ra, chấn thương và ma sát.
Mụn nước do tiếp xúc với nhiệt độ nóng là vết phỏng hoặc da phồng rộp do cháy nắng. Mụn nước do chấn thương là vì có vật gì đó va chạm mạnh vào da, làm tổn thương mạch máu, khiến máu rỉ vào các lớp da bên dưới. Loại mụn nước này sẽ có máu.
Trong khi đó, phồng chân do mang giày là tình trạng mụn nước xuất hiện do ma sát giữa da chân với giày. Nguyên nhân là do không mang vớ hoặc mang giày không vừa.
Vết phồng chân có thể gây đau rát hoặc ngứa. Nếu không được điều trị, vết phồng có thể gây nhiễm trùng da và mưng mủ. Do đó, xử lý sớm vết phòng chân là rất quan trọng.
Nếu vết phồng chân chưa vỡ, bạn nên nhẹ nhàng rửa sạch vùng da đó bằng xà phòng và dùng băng keo cá nhân băng lại. Lưu ý là không nên băng quá chặt vì như vậy sẽ khiến vết phồng bị vỡ quá sớm.
Nếu vết phồng chân đã vỡ thì cần phải khử trùng bằng xà phòng và nước ấm, sau đó bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh để ngăn nhiễm trùng rồi băng lại.
Trong trường hợp vết phồng chân quá lớn và gây đau, bạn cần phải làm vỡ nó để lấy hết chất dịch bên trong ra ngoài. Để thực hiện việc này, trước tiên hãy rửa sạch vùng da bị phồng rộp, sau đó dùng kim đâm một lỗ nhỏ gần mép vết phồng và ép nhẹ nhàng chất dịch bên trong ra.
Tiếp đến, bạn hãy rửa sạch vùng da đó và lau khô. Dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi và băng lại bằng gạc sạch hay băng keo cá nhân, theo Healthline.
Bình luận (0)