Phải gọi là “giặc lái” mới đúng. Tràn ra đường, chặn giao thông, đua xe bạt mạng, nẹt pô bấm còi inh ỏi như ở chốn vô pháp vô luân không gọi là giặc thì gọi là gì? Mới đây nhất, rạng sáng 19.3, hàng trăm tay đua xe kiểu đó từ nhiều nơi đổ về tụ tập, chặn một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM) để đua xe náo loạn, nẹt pô inh ỏi, phóng bạt mạng trên đường.
Luật có rồi, “đua xe”, “tổ chức đua xe”, “gây rối trật tự công cộng” đều là tội danh trong bộ luật Hình sự. Nhưng dường như khoảng cách giữa luật pháp và thực thi luật pháp trong vấn đề này vẫn là một khoảng cách lớn.
Nếu lực lượng chức năng không cho những kẻ coi thường kỷ cương thấm đòn sức mạnh hành pháp thì khó lòng ngăn chặn vấn nạn đua xe tái diễn ngày càng táo tợn. Tổ chức trinh sát, lập chuyên án, tăng cường tuần tra “nóng”, lên nhiều phương án đánh chặn chiến thuật hiệu quả đối với những đám đua xe manh động đã là những kinh nghiệm hữu hiệu mà lực lượng CSGT kế thừa trong nhiều năm qua. Xin hãy khai thác những kinh nghiệm ấy nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa để “tác chiến” giữ bình yên trên đường phố.
Không kịp phản ứng nhanh, xử lý nóng thì cố gắng tìm phương án truy xuất hình ảnh từ các nguồn camera giám sát để xử lý nguội, phối hợp với hệ thống camera an ninh nhà dân và các góc máy ngẫu nhiên của công dân để thu thập hình ảnh nhận diện kẻ vi phạm. Thiết lập một “lưới camera” trong đô thị dựa trên sự kết nối nguồn lực của chính quyền, của các tổ chức, doanh nghiệp, của công dân không phải là điều gì quá khó hình dung và khó thực hiện trong bối cảnh công nghệ. Tai mắt của người dân, của cộng đồng luôn rất quan trọng trong các vấn đề về an ninh công cộng. Thử hình dung, như trong trường hợp tổ chức đua xe trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây hôm 19.3 vừa rồi khiến nhiều phương tiện giao thông trên đường phải dừng lại, camera hành trình của các xe chắc chắn có thể cung cấp không ít những khung hình giúp nhận diện những tay đua đã tham gia vụ đua xe táo tợn này.
Đằng sau những cuộc đua xe táo tợn tới mức chặn đường cao tốc để thỏa thú vui của đám người vô luân vô pháp là gì? Có phải là bóng đêm đằng đẵng của những thú vui gắn liền với rượu bia, với chất kích thích, với ma túy? Hay có phải là, sự khủng hoảng tột độ về giá trị sống nhấn chìm hành xử của một số người trẻ tuổi trong mớ bòng bong của hành vi chống cự quy tắc xã hội? Dù có là gì đi nữa thì chắc chắn đó mới là căn nguyên sâu xa hơn cần được tìm đến, cần được phân rã để nó không có khả năng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn cho xã hội. Và chỉ mỗi nỗ lực hành pháp của lực lượng CSGT chắc chẳng bao giờ là đủ để ngăn chặn vấn nạn này.
Bình luận (0)