Phạm Anh: Chàng trai đi... ngược dòng

23/04/2022 06:49 GMT+7

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), nhưng Phạm Anh (33 tuổi, quê Long An) lại thành công ở một lĩnh vực không hề liên quan ngành học.

Hiện nay, Phạm Anh là MC Runner (người dẫn chương trình chạy bộ chuyên nghiệp) rất nổi tiếng, được cộng đồng vận động viên chạy bộ yêu thích.

Không ngại thay đổi

Phạm Anh chia sẻ sau khi tốt nghiệp ĐH, anh được một công ty xuất nhập khẩu ngỏ lời mời làm việc. “Thực tế, tôi làm việc ở nơi ấy được hai năm. Nếu là người muốn an nhàn, muốn ổn định thì có lẽ tôi gắn bó với môi trường làm việc ấy. Và nếu không thay đổi công việc thì giờ tôi cũng là nhân viên văn phòng nơi ấy. Mức lương có thể nhiều hơn, vị trí chức vụ có thể cao hơn khi ra trường... Nhưng tôi thích những trải nghiệm, thích thử thách bản thân ở lĩnh vực mới để khám phá thêm những khả năng tiềm ẩn mà tôi nghĩ là có thể làm được”, Phạm Anh nói.

Phạm Anh được cộng đồng vận động viên chạy bộ ở Việt Nam yêu thích

NVCC

Và rồi sau đó anh trở thành biên tập viên của một công ty khá đình đám chuyên sản xuất chương trình truyền hình thực tế. Còn hiện nay, Phạm Anh đảm trách công việc đối ngoại, quan hệ nghệ sĩ của một tập đoàn quảng cáo và phát triển song song nghề MC.

Hỏi anh: “Vì sao học một đường mà lại làm... nhiều nẻo, mà nẻo nào cũng không hề liên quan ngành học như thế?”. Phạm Anh cho rằng: “Khi đi một con đường nào đó, cũng sẽ thấy những lối rẽ ngang, rẽ dọc và những con đường khác. Tôi cảm thấy năng lực bản thân phù hợp nên không ngại thay đổi. Quả thật, tôi từng nghĩ sẽ không hợp với những gì liên quan giải trí, showbiz hay dẫn chương trình... Nhưng khi đã trải nghiệm, dấn thân vào những điều mới mẻ ấy, tôi thấy mình làm tốt”.

MC cao nhất Việt Nam

Năm 2018, Phạm Anh lọt vào top 7 cuộc thi Én vàng. Với gương mặt sáng sân khấu, bề ngoài điển trai, Phạm Anh trở thành MC ở nhiều chương trình như: Hành trình biển xanh, Làm đẹp cùng chuyên gia, S Việt Nam, X show... Tuy nhiên, anh lại chọn hướng đi riêng biệt, trở thành MC Runner, tức dẫn những chương trình chạy bộ chuyên nghiệp. Mà với Phạm Anh thì “đó là lối đi... ngược dòng so với các đồng nghiệp. Bởi mọi người thường theo đuổi hướng phát triển thành MC sự kiện, MC chính luận, MC bất động sản...”, anh kể.

Người có biệt danh “MC cao nhất VN” này (cao 1,88 m) lý giải: “Tôi từng không thích chạy bộ, nhưng sau khi gặp một chấn thương ở chân, tôi phải chạy, như một liệu trình để phục hồi chấn thương. Rồi đâu có ngờ, càng chạy, tôi càng thích. Để rồi mỗi lần có các giải chạy vì cộng đồng, tôi đều đăng ký tham gia với mong được góp sức chung tay vào các hoạt động ý nghĩa. Cũng nhờ vậy, cơ hội làm MC Runner đã đến. Và tôi quyết định theo đuổi mảng này”.

Phạm Anh cho rằng làm MC Runner có đặc thù không chỉ biết dẫn chương trình mà phải biết chạy. MC như người bạn chung của tất cả người chạy để tạo tâm lý người chạy mới thoải mái và tương tác nhiều cùng người dẫn chương trình ở cả hai vạch: xuất phát và về đích. “Tôi chăm chỉ chạy hằng ngày để nâng cao thể lực. Tôi hay đưa ra những mục tiêu để chinh phục những cự ly dài hơn và rút ngắn thời gian hoàn thành. Đến giờ, tôi có thể vừa làm MC vừa chạy tốt ở cự ly 42,195 km”, Phạm Anh cho biết.

Đến nay, cái tên Phạm Anh được cộng đồng vận động viên chạy bộ “nhẵn mặt” khi anh đảm trách công việc MC ở phần lớn giải chạy bộ trên khắp cả nước.

Dám làm, dám ước mơ

Với Phạm Anh, mỗi người trong cuộc đời chỉ sống một lần. Nếu lựa chọn sự an phận, ổn định, sẽ khó có thể khai phá được hết những khả năng của bản thân. Chưa kể việc sẽ bỏ lỡ những kiến thức mới, điều thú vị khác trong cuộc sống. Đến một lúc nào đó nhìn lại dễ hối tiếc. Thế nên hãy luôn nỗ lực thúc đẩy bản thân, cũng như dám làm, dám ước mơ. Khi có những hoài bão và tham vọng mới giúp bản thân tiến xa hơn trong sự nghiệp, cũng như bứt phá, sải được những bước dài trong cuộc sống.

“Như tôi, nếu ngày trước không làm MC Runner, mà làm MC ở một lĩnh vực khác thì tôi đã không biết được giới hạn của năng lực tôi tới đâu. Tôi chẳng thể nghĩ bản thân có thể chạy hàng chục ki lô mét. Và tôi nhận ra công việc này không những giúp tôi có nhiều sức khỏe, mang lại cho bản thân tôi niềm vui, mà có thêm cơ hội gặp gỡ, quen biết nhiều người hơn. Tôi may mắn có được những thành công nhất định để bảo chứng con đường tôi đi là đúng”, Phạm Anh tâm sự.

Phạm Anh cho rằng có một bộ phận người trẻ ngại thay đổi môi trường làm việc, nhưng nguyên nhân không phải vì họ, mà là vì... gia đình họ. Họ chịu lệ thuộc quá nhiều vào những định hướng của gia đình, bố mẹ nên hơi rụt rè mỗi khi có ý định chuyển đổi công việc. Cũng có những người ngại khó khăn, áp lực. Họ lo lắng môi trường mới nhiều rủi ro, để rồi họ không dám mạo hiểm thay đổi đương đầu thử thách mới.

“Nhưng chỉ có bản thân mỗi người mới biết được khả năng của chính mình. Nên hãy mạnh dạn, quyết đoán, đừng để bị chi phối bởi những áp đặt, định hướng của người khác. Và tôi nghĩ rằng nếu khi thay đổi bản thân, lỡ có chưa thành công cũng sẽ học được nhiều bài học quý báu, giá trị để phát triển. Như thêm những kỹ năng mới, biết cách ứng phó xử lý với những thách thức, biết cách tháo gỡ những nút thắt cam go, giúp bản thân bản lĩnh vững vàng hơn, biết cách sửa đổi, cải thiện điểm yếu, trau dồi và hoàn thiện bản thân hơn... Tuy nhiên, người trẻ nên chuẩn bị kiến thức, kỹ năng một cách chỉn chu nhất để kiểm soát được những cam go cũng như hạn chế được những vấp váp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.