Phản biện dự thảo '20 m2 sàn/người để nhập hộ khẩu ở TP.HCM'

13/11/2018 16:01 GMT+7

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất phải có 20m 2 sàn/người khi nhập hộ khẩu vào nhà ở thuê, mượn, ở nhờ tại TP.HCM. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo này.

Ngày 13.11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quy định diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay ở TP.HCM đang áp dụng mức diện tích bình quân 5 m2 sàn/người khi giải quyết cho nhập hộ khẩu vào nhà thuê, mượn hoặc ở nhờ nếu đủ các điều kiện khác theo quy định pháp luật. 
Tính đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan và đã có 4 lần dự thảo trình thành phố về diện tích bình quân này.
Chưa phù hợp với thực tế xã hội
Theo dự thảo do Sở Xây dựng chủ trì soạn thảo, diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM được tính chung là 20m2 sàn/người.
Quy định này không áp dụng với trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn và các trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều 20 luật cư trú năm 2006 (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật cư trú 2013).
Góp ý cho dự thảo này, đại diện Công an TP.HCM cho rằng quy định trên nhằm kiểm soát, quản lý nhân khẩu và không làm ảnh hưởng đến nhà ở cũng như các vấn đề việc làm, đời sống của người dân.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho rằng đề xuất tăng diện tích nhà bình tối thiểu để nhập hộ khẩu vào do thuê, ở nhờ, mượn của người khác tại TP.HCM là 20msàn/người là quá cao và chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của TP.HCM, cũng như chưa phải là giải pháp tối ưu để giảm thiểu lượng dân nhập cư vào TP.HCM.
LS Hậu cho rằng quy định không thực tế và không khả thi Ảnh: Ngọc Lê
"Bởi tiêu chuẩn này nằm ngoài khả năng của nhiều người nhập cư, các khu trọ gần khu công nghiệp chủ yếu thuê các phòng có diện tích 20 m2 và vừa đủ cho gia đình từ 3 thành viên với giá 4 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập của họ tầm 20 triệu đồng/tháng. Họ cần đăng ký thường trú cho con cái đi học, và mức thu nhập này để họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên khi tăng diện tích tối thiểu 20 m2 sàn/người thì họ cần thuê căn hộ có diện tích lên đến 60 m2. Và theo đó chi phí thuê nhà tăng lên 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này họ không trang trải được cuộc sống", LS Hậu nói.
LS Hậu phân tích việc người nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn có hộ khẩu thường trú mà họ muốn có việc làm trang trải cuộc sống, tìm cơ hội khởi nghiệp. Do vậy nếu họ không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú thì họ sẽ đăng ký tạm trú. Việc cơ quan quản lý tăng điều kiện để được đăng ký hộ khẩu vào TP.HCM không những không ngăn được nhập cư mà còn làm những người nhập cư muốn có hộ khẩu TP.HCM phải lách luật.
“Người dân thuê nhà rộng ở đủ thời gian để có hộ khẩu sau đó có hộ khẩu rồi thì người dân sẽ đi thuê nhà nhỏ, chuyển nơi ở khác. Điều này khiến việc quản lý trật tự xã hội gặp nhiều khóc khăn. Quy định này khiến bộ máy nhà nước dễ tiêu cực vì phải kiểm tra nhà ở trước khi cấp hộ khẩu”, LS Hậu nói.
Sở Xây dựng bảo vệ quy định "diện tích tối thiểu 20 m2"
Phản biện lại vấn đề LS Hậu nêu ra, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định quy định này để đảm bảo quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Mặt khác cũng tạo điều kiện tốt để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng về nhà ở, về việc học, việc làm cũng như sinh hoạt trong cuộc sống người dân. Do đó, quy định diện tích bình quân nhà ở tối thiểu 20 m2 sàn/người không gây xáo trộn đến cuộc sống của người dân.
Ông Tuấn nêu ví dụ mua nhà ở xã hội 30 m2 có 4 nhân khẩu họ hoàn toàn được nhập khẩu vào vị trí đó vì như vậy là hợp pháp. Ví dụ gia đình 6 người gồm ba mẹ, anh chị em, ông bà nhưng nhà 30 m2 vẫn được cấp hộ khẩu.
Trong trường hợp được mượn, ở nhờ, thuê thì mới áp dụng dự thảo nói trên, để tránh trường hợp một nhà có diện tích 50 m2 mà ai cũng cho mượn, thuê, ở nhờ, nhập khẩu liên tục.
Ông Tuấn nói thêm, hiện nay có nhiều trường hợp lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như: cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở (trong đó có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân), nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định.
Ngoài ra, ông Tuấn khẳng định quyết định này không nhằm hạn chế dân số TP.HCM. Theo ông Tuấn, nếu được TP.HCM chấp thuận thì đầu tháng 12 TP.HCM sẽ trình HĐND xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.