Sau hàng loạt vụ việc các cơ sở sản xuất bị phanh phui vì sử dụng thực phẩm bẩn trong thời gian qua thì chất lượng bánh trung thu và sự an toàn vệ sinh thực phẩm là những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất.
Bánh trung thu hết hạn vì người mua mua nhầm bánh giả - Ảnh: Ngọc Thắng |
Bánh trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh bị tố bánh nhái, bánh kém chất lượng?
Theo khảo sát tại các điểm bán bánh trung thu, dù trương bảng hiệu của các hãng bánh trung thu nổi tiếng như Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica…, nhóm phóng viên đều thấy có bán cả bánh của các cơ sở nhỏ, trong đó phần lớn là hàng ăn theo thương hiệu Đồng Khánh hoặc nhái thương hiệu Kinh Đô…
Theo báo Quảng Nam đưa tin, ngày 30.8, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) đưa con trai đi mua 2 hộp bánh trung thu để tặng cô giáo và để gia đình dùng. Đến ngày 5.9, khi con ở nhà mở hộp bánh ra chơi, chị mới phát hiện 4 chiếc bánh đã nổi mốc meo mặc dù hạn sử dụng vẫn còn đến ngày 14.9.
Bức xúc, chị liên hệ dịch vụ hỗ trợ khách hàng ở hộp bánh để hỏi nhà sản xuất thì mới vỡ lẽ mình đã mua trúng hàng nhái nhãn hiệu bánh Đồng Khánh. “Vì trong lòng cứ đinh ninh là đã mua bánh trung thu Đồng Khánh chứ ai mà ngờ là hàng nhái. Những họa tiết trang trí xung quanh hộp bánh làm mình rối mắt, và khi mua thì cũng nhìn hạn sử dụng chứ đâu nghĩ là người ta lừa mình một cách ngoạn mục như vậy!
Không chỉ có thương hiệu bánh trung thu Đồng Khánh, Kinh Đô cũng bị nhái rất tinh vi nên nếu không để ý kỹ cũng khó phát hiện. “Thương hiệu Kinh Đô được nhiều người tiêu dùng chọn mua, nhưng nếu không để ý kỹ cũng dễ bị lừa. Vì giữa rực rỡ sắc màu, giữa nhiều loại bánh, loại hương vị, khách hàng thường dễ bị rối mắt. Hộp bánh Kinh Đô giả cũng làm giống y như mẫu bánh thật, chỉ có màu vàng nhạt hơn và logo hình vương miện nhỏ hơn”, chị Nguyễn Kim Ánh - chủ một cửa tiệm bán bánh trung thu ở thành phố Hội An cho hay.
Cách phòng ngừa mua nhầm bánh giả
Người bán bánh giả có rất nhiều "chiêu" đánh lừa người tiêu dùng. Thông thường, người bán bánh mua trọn bộ hộp, logo và cả tem giả bánh Kinh Đô về "ngụy trang" lên bánh giả.Với cách này, người bán lời rất nhiều nhưng người tiêu dùng có thể nhận ra vì bánh trung thu thật của Kinh Đô có logo in thẳng vào hộp bánh, phía đáy hộp có in thành phần bánh, tên công ty còn bánh trung thu giả thì logo Kinh Đô được dán vào hộp bánh.
Ngoài ra, người bán có thể tráo tem bánh. Hiện Kinh Đô có hai loại bánh trung thu có giá bán rất đắt, giá chênh nhau nhiều và được người tiêu dùng rất ưa chuộng là bánh thập cẩm 2 trứng, trọng lượng 260g giá 35.000đ/cái và bánh vi cá jambon 2 trứng đặc biệt, trọng lượng 260g giá 48.000đ/cái. Người bán thường nhập thật nhiều bánh trung thu thập cẩm 2 trứng của Kinh Đô về rồi tháo bỏ tem và mua tem giả vi cá jambon 2 trứng đặc biệt dán vào bán hưởng lời chênh lệnh 13.000đ/cái.
Theo chị Ánh, hiện có rất nhiều những chiếc xe chở hàng nhỏ của một số cá nhân chở bánh trung thu đi bán dạo với giá thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường: “Nếu để ý, người tiêu dùng sẽ nhận thấy ngay đó là bánh trung thu nhái, giả, kém chất lượng. Dưới những thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Đồng Khánh, Đồng Thạnh… thường có những cái tên gần giống và được ghi rất mờ và nhỏ…”
Rõ ràng, đứng trước thị trường bánh trung thu hết sức phức tạp về chất lượng, cũng như giá cả, việc lựa chọn bánh trung thu phù hợp và an toàn đang trở nên khó khăn. Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng cần phải trang bị những kiến thức cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như phương pháp phân biệt bánh trung thu thật giả. Bên cạnh đó, khách hàng cần đặc biệt cảnh giác với những mẫu mã bánh Trung thu lạ mắt; không được đựng trong những bao bì dành cho thực phẩm bởi bánh có thể đã bị nhiễm khuẩn, hết giá trị sử dụng.
Bình luận (0)