Phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử lý như thế nào?

12/04/2021 10:00 GMT+7

Kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Đồng thời, người thực hiện hành vi này sẽ bị chế tài, phạt tiền theo quy định.

Như Thanh Niên thông tin, sáng 8.4, một tiếp viên nữ trên xe buýt số 8 (thuộc Hợp tác xã vận tải xe buýt Quyết Thắng quản lý) từ chối phục vụ một hành khách là người khuyết tật (NKT) khi xe dừng tại trạm chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Khi đó, một hành khách khác cho NKT này 100.000 đồng để đi taxi. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM đã ghi nhận sự việc, tạm thời dừng bố trí công tác phục vụ đối với tiếp viên của phương tiện trên.

Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm

Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (Trung tâm DRD), việc nữ tiếp viên xe buýt từ chối phục vụ NKT vì cho rằng xe lăn nặng không mang lên được cho thấy tiếp viên đã nghĩ ngay đến sự bất tiện, phiền phức của NKT.
“Ngoài ra, tôi tin việc hành khách cho 100.000 đồng để NKT xuống xe đi taxi xuất phát từ ý tốt nhưng là hình thức phân biệt đối xử ngầm. Về phía NKT, tôi tin rằng anh ấy không vì 100.000 đồng mà xuống xe, chính thái độ, hành vi từ chối phục vụ và hành vi cho tiền đã tạo cho anh cảm giác mình đang gây phiền phức, gánh nặng”, ông Cử nói và cho biết thêm, nếu giải quyết sự việc dựa trên quan điểm mọi người đều bình đẳng như nhau và NKT cũng có quyền đi xe buýt thì tiếp viên sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ.
Liên quan vụ việc này, luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết tất cả các hành vi phân biệt đối xử với NKT là vi phạm pháp luật và đều bị xử phạt theo quy định. Căn cứ khoản 1 Điều 14 của Luật Người khuyết tật năm 2010, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm. Về mức xử phạt, căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Đồng thời, LS Dũng cũng cho biết, điều 14 của Nghị định trên cũng quy định về việc vi phạm quy định về tham gia giao thông của NKT, người cao tuổi. Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi như không miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT đặc biệt nặng, NKT nặng, người cao tuổi; không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho NKT, người cao tuổi; từ chối chuyên chở NKT tham gia giao thông hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của NKT.

Việt Nam quy định chặt chẽ về tiếp cận giao thông, công trình công cộng cho NKT

Ông Nguyễn Văn Cử nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền của NKT, nhất là việc phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT (Công ước CRPD) năm 2014. Từ đó, phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo không có trường hợp phân biệt đối xử nào đối với NKT, đồng thời phải tiến hành các biện pháp bảo đảm NKT được tiếp cận tòa nhà, đường sá, giao thông; các công trình, cơ sở vật chất như trường học, nhà ở, cơ sở y tế, nơi làm việc... Việc phê chuẩn công ước là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực NKT tại Việt Nam.
Cạnh đó, ông Cử cho biết, Luật NKT năm 2010 ra đời nhằm tạo dựng môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với NKT. Luật này cũng dành hẳn điều 42 để quy định về phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn phải có chỗ ưu tiên cho NKT; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của NKT; phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
“Đồng thời tại điều 40 luật trên cũng quy định lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng. Theo đó, đến ngày 1.1.2020, các công trình công cộng như trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Đến ngày 1.1.2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc các trường hợp trên phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT”, ông Cử phân tích và cho biết, hệ lụy của việc phân biệt đối xử NKT chính là làm gia tăng tình trạng đói nghèo của NKT và gây thiệt hại cho nền kinh tế bởi NKT sẽ không có cơ hội học tập, làm việc, tham gia các hoạt động xã hội, lúc đó NKT sẽ không có công ăn việc làm, bị loại ra khỏi giáo dục, y tế, việc làm...  
“Đối với xã hội, theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và của Ngân hàng Thế giới (WB), khi NKT bị loại trừ khỏi thị trường lao động – việc làm sẽ gây thiệt hại từ 1-7% GDP của quốc gia đó và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1.370 - 1.900 tỷ USD/năm”, ông Cử nói.

Chỉ 10% xe buýt thuận lợi cho NKT sử dụng 

Ông Cử cũng cho biết, theo thống kê, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT (chiếm khoảng 7% dân số), riêng TP.HCM có khoảng 58.725 NKT. Thế nhưng, hiện nay, tại TP.HCM chỉ có khoảng 10% xe buýt đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận bao gồm xe có lắp đặt thiết bị nâng hạ, xe sàn thấp và sàn bán thấp thuận lợi cho NKT sử dụng; đồng thời chỉ có 166/500 (khoảng 33%) nhà chờ xe buýt đã cải tạo lối lên xuống cho người khuyết tật đi xe lăn.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.