Phân bổ địa điểm thi chưa hợp lý

10/04/2015 00:00 GMT+7

Nhiều vấn đề đặt ra tại phiên họp đầu tiên bàn về cụm thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của đại diện 8 trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh và 8 sở GD-ĐT địa phương khu vực Đông Nam bộ, diễn ra chiều 9.4 ở TP.HCM.

Nhiều vấn đề đặt ra tại phiên họp đầu tiên bàn về cụm thi do Bộ GD-ĐT phối hợp UBND TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của đại diện 8 trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh và 8 sở GD-ĐT địa phương khu vực Đông Nam bộ, diễn ra chiều 9.4 ở TP.HCM.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh ở gần phải thi trường xa !
Thống kê từ Bộ GD-ĐT, năm nay TP.HCM sẽ có khoảng 162.000 thí sinh (TS) dự thi (gồm 70.000 học sinh các trường THPT tại TP.HCM, khoảng 30.000 TS vãng lai và 62.000 TS các tỉnh di chuyển về). So với đợt đầu tiên thi ĐH năm ngoái với 234.000, năm nay số lượng TS dự thi tại thành phố này giảm khoảng 1/3.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, các trường không bố trí điểm thi tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh do nhà trọ rất ít và xa.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc phân bố địa phương ở cụm thi có sự bất hợp lý. Ông Dũng lấy ví dụ, TS ở Q.2 di chuyển về khu vực Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ mất có 5 km nhưng theo cách bố trí hiện nay thì học sinh quận này phải về thi tại Trường ĐH Sài Gòn (Q.5). Trong khi đó, học sinh Q.12 về Q.Thủ Đức sẽ phải di chuyển thêm tới 16 km, trong khi việc di chuyển trên đường xa lộ sẽ rất nguy hiểm và dễ kẹt xe.
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng danh sách cụm thi phân chia theo địa bàn đăng ký để cụm thi chịu trách nhiệm, còn tổ chức các điểm thi ở đâu thì Sở GD-ĐT cho các cụm tự thương lượng với nhau. Theo tiến sĩ Nghĩa, phân bố như hiện nay có sự mất cân đối vì có cụm chỉ có 6.000 TS mà tới 94 điểm thi, trong khi ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 11.000 TS lại chỉ có 24 điểm thi. “Đề nghị Sở GD-ĐT cung cấp số lượng trường THPT trên địa bàn, số lượng phòng, sức chứa phòng thi để các trường có thể cân đối”, ông Nghĩa nói.
GS-TS Lê Quan Nghiệm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa về việc sắp xếp địa điểm thi. Ông Nghiệm cho rằng nên điều phối lại cho hợp lý, thuận lợi với sự di chuyển của TS, bố trí địa bàn công tác của cụm thi.
Trộn thí sinh các địa phương để đảm bảo công bằng
Theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, tỉnh này có khoảng 6.000 TS dự thi tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và 10.000 TS thi tại cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì. Sở đã phân chia học sinh các huyện dự thi tại cụm thi theo trường ĐH. Tuy nhiên, Sở mong muốn sớm có thông tin về địa điểm thi cụ thể để phụ huynh chuẩn bị. Cũng theo đại diện sở này, học sinh tỉnh Đồng Nai dự thi tại cụm thi do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì có thể nghỉ ngơi tại nhà nghỉ thuộc TP.Biên Hòa, bởi từ đó di chuyển lên ĐH này chỉ mất khoảng 20 phút và đường không kẹt xe nên di chuyển khá dễ dàng.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin trường đã xin được tài trợ xe chở TS từ Đồng Nai về trường ĐH để dự thi, đồng thời đang sắp xếp chỗ ở cho TS trong ký túc xá. Cũng theo ông Dũng, trường sẽ đến từng trường THPT có TS dự thi tại cụm để bàn phương án đưa đón và chỗ ở cho TS.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt vấn đề: Việc đánh số báo danh có nhất thiết phải trộn TS các tỉnh không, vì điều này sẽ dẫn đến việc TS một địa phương sẽ phải thi ở nhiều điểm thi. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc đánh số báo danh sẽ theo nguyên tắc trộn TS các địa phương với nhau tại từng điểm thi và phòng thi. “Điều này nhằm đảm bảo công bằng, tránh trường hợp giáo viên địa phương coi thi ưu tiên cho học sinh tỉnh mình”, ông Trần Văn Nghĩa nói.
Trong tháng 4, TS chỉ nộp lệ phí dự thi
PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết một số sở GD-ĐT thắc mắc về việc có thu khoản lệ phí dự tuyển 30.000 đồng hay không khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi? Theo quy định, TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí. Còn dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH và CĐ, khi đăng ký dự thi nộp lệ phí 35.000 đồng/môn tại địa điểm nộp hồ sơ. Còn lệ phí dự tuyển 30.000 đồng, TS sẽ nộp cho trường ĐH và CĐ trong thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Như vậy, đến tháng 8, TS mới nộp lệ phí dự tuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.