Phận caddy ở sân golf - Kỳ 5: Đẳng cấp đại gia

11/02/2012 10:38 GMT+7

Đang ngồi ăn cơm trưa trong khu caddy thì cô caddy tên Thư chạy vào hớn hở: “Hôm nay ông C, con tỉ phú Bình Định, vào sân đó. Biết bo bao nhiêu không? Triệu rưỡi đó. Nhỏ Phương Thanh hôm nay hên thật”. Vài hôm sau nữa lại một cô la toáng: “Tao kéo gậy cho một ông thứ trưởng nha. Hôm qua mới thấy ổng trên truyền hình”. Kể ra làm caddy cũng thú vị vì nhiều khi chạm mặt nhiều đại gia có tiếng hoặc các vị quyền cao chức trọng.

Đang ngồi ăn cơm trưa trong khu caddy thì cô caddy tên Thư chạy vào hớn hở: “Hôm nay ông C, con tỉ phú Bình Định, vào sân đó. Biết bo bao nhiêu không? Triệu rưỡi đó. Nhỏ Phương Thanh hôm nay hên thật”. Vài hôm sau nữa lại một cô la toáng: “Tao kéo gậy cho một ông thứ trưởng nha. Hôm qua mới thấy ổng trên truyền hình”. Kể ra làm caddy cũng thú vị vì nhiều khi chạm mặt nhiều đại gia có tiếng hoặc các vị quyền cao chức trọng.

 
Caddy bôi kem chống nắng cho một vị khách - Ảnh: Vũ Thủy

Chân dung đại gia

Không như những người khách Hàn Quốc, Đài Loan đến sân golf, có khi họ chỉ là một nhân viên bình thường nhưng công ty bỏ tiền ra mua thẻ hội viên cho cả một nhóm, những golfer (người chơi golf) VN ở sân golf thường là đại gia thứ thiệt. Họ đến sân golf không bằng xe hơi sang trọng thì cũng được đưa rước bằng những chiếc xe công ty đẹp đẽ.

Ông Trần Ngọc Tư, phụ trách đào tạo ở sân tập golf HL, một tay chơi có hạng với handicap 4, con số trong mơ của nhiều người, tự nhận mình chơi golf ít nhưng một tháng cũng tốn một khoản 20-30 triệu đồng, chưa kể xăng xe, ăn uống... Còn ông Thịnh, một đại gia bất động sản ở TP.HCM, bật mí về khoản chi tiêu để đến sân golf: “Tối thiểu phải bỏ ra 30-40 triệu đồng mỗi tháng”. Rồi tiền vào nhà hàng, mua sắm gậy, tip caddy, tiền chơi “độ”... Số tiền ấy không phải là những đại gia có thu nhập ít ra cũng vài trăm triệu đồng một tháng thì chắc không kham nổi. Nhóm bạn cùng chơi golf với ông Thịnh gồm những người bạn từ thuở hàn vi nhưng đến nay người là sếp doanh nghiệp kinh doanh nội thất, người là nhân vật chủ chốt của một doanh nghiệp khai thác dầu khí...

Trong sân golf có thể gặp đại gia ở đủ các ngành nghề khác nhau mà điểm chung lớn nhất là họ có tiền. Ông Trần Ngọc Tư bảo rằng giới golfer nếu không phải là người giàu có thì cũng phải có kinh tế thật vững mới có thể theo đuổi thú chơi này.

Các caddy tại sân golf HP thường bảo nhau rất sợ khách VN. Vì khách VN có thói quen sai khiến caddy rất nhiều để xứng với đồng tiền bát gạo họ bỏ ra, lại còn hay chửi bới các nhân viên kéo gậy. “Làm cho khách nước ngoài sướng hơn, họ galăng hơn, mà có chửi mình cũng chẳng... hiểu, coi như huề vốn. Khách nước ngoài đi chơi golf thường có bảng giá bo hết đấy. Khách Nhật giá cho mỗi caddy đi 18 lỗ thường chỉ bo 100.000-150.000 đồng, khách Hàn Quốc thường bo 200.000 đồng. Còn khách VN thì vô chừng lắm. Hiểu ngôn ngữ của nhau nên tùy thái độ caddy mà khách sẽ bo nhiều hay ít” - Trân, một caddy cũ, ghé tai tôi cho biết.

Tập thể dục kiểu đại gia

Hơn 5 giờ sáng ở sân golf BS trời còn tối mò, những chiếc xe hơi đắt tiền lần lượt trờ tới khu vực Golf Bag Collection. Những con “mẹc” sang trọng, những chiếc Lexus láng mướt... Xe vừa dừng lại, nhân viên trực vội vàng chạy tới mở cốp xe, lấy bao gậy đưa vào. Cửa xe mở,  “thượng đế” bước ra, chẳng thèm nhìn ngang ngó dọc mà đi thẳng về phía phòng locker (phòng thay đồ) dành cho khách.

Trời còn tối, cả chục caddy đang rì rầm nói chuyện thì nghe từ xa tiếng động cơ ầm ầm phá tan bầu không khí yên lành buổi sáng. “Chắc ông D. “môtô” chứ không ai”, mấy cô caddy kháo nhau. Từ xa, ánh đèn rọi đến lóa mắt, dàn đèn trên xe rọi sáng cả con đường. Ông D. “môtô” xuất hiện với “cục cưng” quen thuộc là chiếc môtô hình thù kỳ quái như một con cá kình. Chưa kịp thấy mặt đại gia, tôi đã bị chị caddy kéo đi. “Khách ra tới rồi kìa” - chị nhắc.

Khách của tôi hôm nay là ông Thăng Tân, giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP.HCM. Ông Tân khá lớn tuổi nhưng dáng người gọn gàng, nhanh nhẹn, không bụng thường thấy ở một số ông khách khác. Ông đánh banh không mạnh nhưng chuẩn xác, bóng hiếm khi bay lạc khỏi fairway (khu vực giữa đường golf). Hôm nay ông đi một mình do người bạn đột nhiên hủy hẹn nên mau chóng “cáp” với nhóm của ông D. “môtô”.

Ông D. còn khá trẻ, đang điều hành một công ty vệ sĩ. Cô caddy mà ông này “đặt gạch” kể rằng ông đã “book” (đặt trước) cô liên tục trong vòng năm ngày liền, ngày nào cũng đều đặn từ 5g sáng. Ông D. chơi có “cơn”, ngẫu hứng chứ không phải tuần nào cũng đi chơi golf như một số đại gia khác. Đại gia có máu yêng hùng này thường có những chuyến môtô du hí ngang dọc khắp nơi. Và tất nhiên cũng đánh golf không thiếu một sân nào từ Ninh Bình, Tam Đảo, Đồng Mô, Thủ Đức đến Vinpearl... Còn ông Tân mỗi tuần bốn buổi đánh golf, một buổi ở sân BS, một buổi ở sân TĐ, hai buổi ở sân LT. Không riêng gì ông D., ông Tân, giới golfer VN khi được hỏi đã đánh ở những sân nào đều trả lời: “Khắp đất nước này, sân nào cũng đánh rồi”.

Chơi golf tập thể dục buổi sáng. Nghe cũng chẳng khác gì mấy môn quần vợt, cầu lông... nhưng những khoản đầu tư để tập thể dục buổi sáng kiểu này bằng thu nhập cả năm của một gia đình có thu nhập kha khá. Thẻ sân golf bèo bèo cũng hơn chục ngàn đến vài chục ngàn USD. Bộ gậy golf trên 10 cây từ gậy driver, burner, gậy sắt cho đến putter... của những hãng sản xuất có tiếng như Titleist, Taylor Made, Mizuno... từ vài chục triệu đến cả vài trăm triệu đồng. Mỗi gậy có giá 20-30 triệu đồng là chuyện bình thường.

Nhưng thú chơi golf của đại gia không chỉ ngốn chừng ấy tiền. Một golfer bảo rằng mình không thích mua thẻ hội viên của sân nào cụ thể, mà hôm nào thích sân nào chơi sân ấy. Muốn như vậy các đại gia đó phải có thật nhiều tiền, bởi khách vãng lai tại các sân golf thường phải đóng phí gấp đôi, gấp ba so với hội viên. Thành ra mỗi buổi chơi golf, chỉ tính phí cơ bản các đại gia đã tiêu mất 2-3 triệu đồng.

Giá trị của những giải thi đấu golf ở VN khiến thế giới golf càng thêm hào nhoáng. Những giải thưởng tiền tỉ khiến bất cứ nhà tổ chức thể thao nào cũng phải ganh tị. “Hole in one” (chỉ một cú đánh vào lỗ) rinh xe hơi, vô địch được căn hộ cao cấp...

Giải đấu do Tập đoàn HL tổ chức gần đây ở cả miền Bắc và miền Nam có tới 15 bảng cho từng cấp handicap. Giải nhất mỗi bảng đều là căn hộ trị giá 1,5 tỉ đồng. “Hole in one” ở nhiều sân golf rất ấn tượng. Có khi nhiều nhà tài trợ cùng tài trợ cho một lỗ. Ở sân PV (Khánh Hòa), một doanh nhân ngành xuất khẩu may mặc được dành cho ba đêm nghỉ tại phòng hạng nhất ở khách sạn, một kỳ nghỉ hai ngày, ba đêm cho hai người tại resort ở Thái Lan, bao gồm cả vé máy bay. Ở sân ĐT (Vĩnh Phúc), “hole in one” là cặp vé khứ hồi đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Còn ở sân LT (Đồng Nai), “hole in one” từng được doanh nhân tài trợ cả một chiếc xe hơi hạng sang. Vì thế, chẳng trách được khi nhìn vào sân golf người ta nghĩ ngay đến một thế giới xa hoa.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.