Phân cấp mạnh, trao quyền sâu

19/04/2024 09:10 GMT+7

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, để giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập… thì Hà Nội cần được phân cấp, trao quyền mạnh hơn nữa.

6 năm để giải quyết hàng loạt vấn đề

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại". Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội còn 6 năm để giải quyết hàng loạt vấn đề, bao gồm cả việc tìm lời giải cho những bài toán khó liên quan đến dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, ngập úng…

Cần phân cấp, trao quyền mạnh hơn để Hà Nội đạt mục tiêu là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Cần phân cấp, trao quyền mạnh hơn để Hà Nội đạt mục tiêu là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

KHẮC HIẾU

Cảm nhận về Hà Nội hiện tại, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận xét đây là đô thị loại 1 nhưng lại rất lộn xộn, không có vẻ hiện đại, văn minh vì ùn tắc giao thông và đường phố chật hẹp.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để Hà Nội đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đặt ra cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho thành phố để thực hiện nhiệm vụ của mình, đảm bảo thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước, là đô thị loại 1 bậc nhất của đất nước. Khi đó, thủ đô Hà Nội sẽ sánh vai ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

"Khi được phân cấp, tăng quyền mạnh hơn, Hà Nội sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ giãn dân ở nội đô, quy hoạch lại các đô thị; đồng thời mở rộng đường phố, hoàn thiện đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, monorail (đường sắt 1 ray)… để thành phố không còn tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay", đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về việc di dời đại học, bệnh viện… ra khỏi nội đô gặp khó do thiếu cơ chế, nguồn lực, chỉ có thể giải quyết bằng cách phân thêm quyền cho thành phố.

Ông Hòa nói, việc di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học… ra khỏi nội đô là mấu chốt để Hà Nội giải "bài toán" giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập…

Tuy nhiên, khi Hà Nội được phân cấp, tăng quyền thì cần có sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư. Bởi lẽ, quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung 2011) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011 đã có nhiều tồn tại, hạn chế.

"Chủ trương, đường lối, nghị quyết của các cấp lãnh đạo trong Quy hoạch chung 2011 rất đúng, rất rõ, rất cụ thể nhưng quá trình tổ chức thực hiện có nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến tình trạng Hà Nội ùn tắc, ô nhiễm… như hiện nay.

Cho nên, khi luật Thủ đô sửa đổi được thông qua và trao quyền để Hà Nội khắc phục những tồn tại, hạn chế thì không được phép để những hạn chế, tồn tại ngày xưa lặp lại nữa. Nếu không, thủ đô Hà Nội không thể nào đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra", đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Chung mối quan tâm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.Hà Nội Bùi Thị An lo ngại, nếu không phân quyền mạnh hơn nữa thì Hà Nội khó đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra.

"Tại điều 4 dự thảo luật Thủ đô sửa đổi quy định luật về cùng một vấn đề nếu có luật nào trái với luật Thủ đô thì được sử dụng luật Thủ đô để phủ quyết. Tôi thấy điều 4 là vô cùng quan trọng, cần được giữ lại khi thông qua luật này vì điều này sẽ là cơ chế để Hà Nội "vượt rào" vì lợi ích chung của cả nước", đại biểu An phân tích.

Cần danh mục chính sách cụ thể

Đề cập đến công tác quy hoạch ở Hà Nội, tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết sau khi Quy hoạch chung 2011 được duyệt, Hà Nội đã được phủ kín bởi quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và một số quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là khu vực nội đô cũng có 4 quy hoạch phân khu. Nhiều quy hoạch tồn tại hàng chục năm chưa được phê duyệt như quy hoạch phân khu 2 bên sông Hồng cũng đã được duyệt.

"Như vậy, có thể khẳng định công tác quy hoạch đã thực hiện được một khối lượng lớn và đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong luật Quy hoạch, nhưng vấn đề tồn tại của Hà Nội là khâu tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó nguồn lực để thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng được, đặc biệt là chính sách đặc thù để thu hút đầu tư", ông Nghiêm nói.

Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, T.Ư đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển thủ đô, trong đó khẳng định từng bước thực hiện mô hình chùm đô thị, đô thị trung tâm và 5 vệ tinh. Điểm mới nhất là phát triển đô thị theo định hướng TOD (tức là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) đã được mở ra trong nghị quyết và được đề cập đến trong luật Thủ đô sửa đổi, theo đó đề xuất giao quyền cho Hà Nội ưu tiên tổ chức thực hiện mô hình TOD.

"Luật Thủ đô sửa đổi có nói ưu tiên, giao quyền cho Hà Nội thực hiện TOD nhưng TOD là vấn đề phức tạp nên cần phải xem xét nguồn lực thực hiện cho rõ. Cạnh đó, nếu muốn huy động được nguồn lực xã hội thì thành phố phải có chính sách ưu đãi", ông Nghiêm nhìn nhận.

Theo ông Nghiêm, luật Thủ đô 2012 đã đặt ra vấn đề có chính sách ưu đãi đầu tư bãi đỗ xe nhưng cuối cùng không thực hiện được vì không có chính sách gì ưu đãi cả. Do đó, trong luật Thủ đô sửa đổi lần này, bên cạnh định hướng đặc thù thì cần đề xuất danh mục chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố, từ đó mới có thể giải quyết được gốc rễ những vấn đề mà Hà Nội đang đối mặt.

Bàn về việc này, ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cho biết luật Thủ đô sửa đổi đang được xây dựng và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép thủ đô Hà Nội được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành luật Thủ đô 2013 để xây dựng, phát triển thủ đô.

"Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi quy định việc huy động nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị theo TOD. Các quy định để gia tăng giá trị thu hồi lại từ đất, sẽ giúp Hà Nội khai thác được tối đa giá trị thặng dư từ đất cũng như giải bài toán về tái thiết đô thị", ông Hiếu nói.

Để thực hiện thành công đô thị định hướng TOD, Hà Nội cần được giao thêm quyền và cơ chế đặc thù. Việc phân cấp, phân quyền để Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là một trong những điểm nhấn của dự thảo luật.

Theo đó, dựa trên các điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị, đường sắt đô thị; sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án… Từ đây sẽ có thể rút ngắn thời gian phê duyệt, tạo điều kiện để có thể triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng đô thị.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.