UBND các cấp được quyết dự án tới 4.600 tỉ đồng
Báo cáo về các vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết tại dự án luật, Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư của các dự án nhóm A, B, C lên gấp 2 lần so với hiện tại. Riêng dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần, từ 10.000 tỉ đồng hiện nay lên 30.000 tỉ đồng.
Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chỉ tăng quy mô dự án của các dự án quan trọng quốc gia lên 2 lần như đối với các dự án nhóm A, B, C. Tuy nhiên cơ quan thẩm tra cho rằng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997, đến nay quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000 và tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013.
Việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỉ đồng (gấp 3 lần) nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện luật. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ phương án là 30.000 tỉ đồng.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C, Chính phủ đề xuất phân cấp từ HĐND sang UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng đây là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và đề nghị giữ như hiện hành. Cạnh đó, một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp như dự thảo luật và cho rằng quy định này sẽ giảm nhiều thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối ra quyết định và chịu trách nhiệm.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh cho biết với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Theo đề xuất tại dự án luật, sau khi nâng quy mô vốn đầu tư lên 2 lần, dự án nhóm B có mức vốn đầu tư từ 90 - 4.600 tỉ đồng tùy theo lĩnh vực. Dự án nhóm C tổng mức đầu tư từ 90 - 240 tỉ đồng tùy lĩnh vực.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hiện nay có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công. Do đó, các lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị đã cho ý kiến, đồng thuận với việc sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền tại dự thảo luật là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi cần phải cải cách, đổi mới trong tổ chức thực hiện. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát theo quy định.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8.
Sắp xếp 6 huyện, 361 xã, phường của 12 tỉnh, thành
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các đề án sắp xếp huyện, xã của 12 tỉnh, TP giai đoạn 2023 - 2025, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, TP.Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Theo đó, Chính phủ dự kiến sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã tại 12 tỉnh, thành nói trên để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, TP. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, sau khi thực hiện sắp xếp các huyện, xã của 12 tỉnh, TP, sẽ dôi dư 136 người ở cấp huyện, 3.342 người ở cấp xã. Cùng đó, cấp huyện sẽ có 9 trụ sở dôi dư, cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, TP đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số cán bộ và trụ sở, tài sản công dôi dư.
Bình luận (0)