Sáng 7.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với 63 địa phương về tình hình KT-XH tháng 9.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng 9 tháng cao hơn so với kịch bản đã đề ra. GDP quý 3 tăng 7,4%, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết 01 (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 6. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (lạm phát cơ bản tăng 2,69%)...
Thông tin thêm tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho hay, ước tính thiệt hại do mưa, bão số 3 (Yagi) gây ra là 81.500 tỉ đồng, làm giảm 0,15 điểm phần trăm tăng trưởng. Tín hiệu đáng mừng là tại Hải Phòng, Quảng Ninh - 2 địa phương thiệt hại nặng nề - các khu công nghiệp, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất rất nhanh, chỉ sau bão một tuần. Tuy nhiên, nông nghiệp cần thời gian dài ngày cả tháng, quý mới phục hồi.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT khẳng định, mục tiêu tăng trưởng trên 7% năm nay không bị ảnh hưởng do thiệt hại mưa bão. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện của quý 3 và 9 tháng, Bộ KH-ĐT vẫn giữ mục tiêu phấn đấu cả năm 7% hoặc cao hơn. Để đạt mục tiêu, ông Phương cho hay, trong các giải pháp, những địa phương không bị ảnh hưởng và có tiềm năng cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp thiệt hại. Hà Nội và TP.HCM phấn đấu cao hơn sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế cả nước.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 khoảng trên 7%, tăng trưởng GDP quý 4 từ 7,5 - 8%. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo yêu cầu của Hội nghị T.Ư 10. "Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền, không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin - cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết", Thủ tướng nêu.
Tại họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ phải phân cấp khoảng 699 thủ tục hành chính. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay có khoảng 299/699 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt gần 44%. Hiện còn hơn 400 thủ tục hành chính cần phân cấp tính đến hết 2025.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, nội dung về phân cấp, phân quyền nằm ở nhiều văn bản luật, liên quan nhiều ngành nên tiến độ rà soát để sửa đổi, bổ sung các thể chế này thời gian qua còn chậm. Một số luật chuyên ngành lại đưa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ vào trong các vấn đề cụ thể, do đó có tình trạng "việc nhỏ cũng đưa lên Thủ tướng". Tới đây sửa đổi luật Tổ chức Chính phủ sẽ thiết kế riêng nội dung này.
Bình luận (0)