Phân cấp và thẩm quyền

28/02/2014 02:21 GMT+7

Trong một xã hội pháp quyền, việc phân cấp thực hiện thẩm quyền của nhà nước luôn mang tính cốt lõi. Luật pháp có những quy định về thẩm quyền của nhà nước, nhưng trên thực tế người dân luôn muốn biết thẩm quyền cụ thể thuộc về cơ quan nào. Trung ương hay cấp tỉnh hay cấp huyện hay cấp xã?

Nhiều khi, có xuất hiện một số tiêu cực, sai sót trong việc thực hiện thẩm quyền đã được phân cấp cho địa phương thì nhiều người cho rằng cần thu lại thẩm quyền đó về trung ương. Cách đây vài năm, báo chí đã ồn ã về chuyện một số địa phương cấp tỉnh đã quyết định theo thẩm quyền về việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng tại một số vùng nhạy cảm. Nhiều ý kiến cho rằng cần thu thẩm quyền cho thuê đất rừng về trung ương nhằm tránh đi các tiêu cực nhạy cảm mà địa phương chưa dự báo trước được.

Tương tự, thẩm quyền chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một số địa phương cấp tỉnh đã ưu tiên phát triển mà đểnh đoảng trong việc cương quyết giữ lại đất chuyên lúa vẫn gọi là bờ xôi, ruộng mật. Thế là giải pháp mới được đưa ra là phải được phép của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh mới được quyết định cho phép chuyển đất lúa vào sử dụng cho các mục tiêu khác. Luật Đất đai 2013 vẫn quy định về cách thực hiện thẩm quyền kiểu này đối với đất lúa.

Nghe cơ chế 2 bậc thẩm quyền này có vẻ "xuôi tai" nhưng nhìn vào chiều sâu thực tế thì cách làm như vậy đã tạo ra thủ tục nhiều tầng nấc nhưng không rõ trách nhiệm thuộc về người có thẩm quyền hay về người cho phép trước khi thực hiện thẩm quyền.

Hiện nay, khi quyết định các vấn đề phức tạp, người có thẩm quyền theo pháp luật thường tính kế "chắc ăn" bằng cách xin ý kiến đồng ý của cấp trên. Khi dư luận xã hội có phức tạp thì đẩy trách nhiệm lên cấp trên vì đã được cấp trên đồng ý.

Câu chuyện tôn tạo cầu Long Biên vừa qua cũng là một ví dụ, Bộ và địa phương đều đẩy mọi việc về phía ý kiến của Thủ tướng. Cứ theo cung cách như vậy thì không Thủ tướng nào đủ sức gánh vác hết công việc.

Ở nước ta từ sau ngày Đổi mới, việc xây dựng nhà nước pháp quyền được đặt ra như một nguyên tắc cơ bản, khác hoàn toàn với kiểu phân cấp theo cơ chế bao cấp. Nói như vậy nhưng tư duy bao cấp vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Cơ chế xin phép cấp trên khi thực hiện thẩm quyền là một biểu hiện rõ ràng của tư duy bao cấp trong quản lý.

Trong một nhà nước pháp quyền, phân cấp thực hiện thẩm quyền của nhà nước là một việc quan trọng. Khi pháp luật đã trao thẩm quyền cho cấp nào thì cấp đó phải thực hiện đúng thẩm quyền; chịu trách nhiệm về quyết định theo thẩm quyền; không ai được thực hiện thay thẩm quyền, kể cả cấp trên và có trách nhiệm giải trình về việc quyết định theo thẩm quyền. Trách nhiệm và thẩm quyền như vậy mới rõ ràng, không bị lẫn lộn.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.