Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dâng hương tại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc |
MẠNH CƯỜNG |
Nhắc lại các ý kiến đánh giá cụ Phan Châu Trinh là người đi trước thời đại, nhà sử học Dương Trung Quốc muốn diễn giải một cách chính xác hơn, khi cho rằng phải gọi Phan Châu Trinh là “người có tầm nhìn trước thời đại”. Bởi lẽ, bước đi của cụ có phần lúng túng vì không qua được rào cản hàng đầu là chế độ thực dân, là độc lập dân tộc…; “nhưng rõ ràng cụ hay ở chỗ là cụ kiên quyết trở về với Tổ quốc, rất sớm”. Ông Quốc cũng khẳng định, cụ Phan Châu Trinh là người có tầm nhìn xa. “Nhìn xa để thấy cái mà bây giờ chúng ta đang chứng kiến. Và khi mà chúng ta đã vượt qua được cái “ngưỡng” giành độc lập dân tộc rồi, thì những vấn đề căn bản nhất của Phan Châu Trinh (tiếp tục) được đặt ra trên bàn nghị sự của đời sống”, ông Quốc nói.
TS Bùi Thanh Xuân (Viện Nghiên cứu Đông Nam bộ) nhận định tư tưởng giải phóng con người của Phan Châu Trinh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù được đề ra cách chúng ta hơn 1 thế kỷ. Phan Châu Trinh là người tiên phong trong khởi xướng chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; luôn đề cao nghĩa vụ đối với đất nước, ca ngợi chế độ dân chủ, từ bỏ chế độ quân chủ và đi đến chủ nghĩa dân quyền. “Tư tưởng của Phan Châu Trinh có một vị trí xứng đáng trong lịch sử tư tưởng VN, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ 20”, TS Bùi Thanh Xuân khẳng định.
Sáng 9.9, UBND H.Phú Ninh (Quảng Nam) tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc. Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2005, được đầu tư phục dựng vào năm 2002 và 2012. Tháng 5.2022, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích nhà lưu niệm với tổng kinh phí 30 tỉ đồng, trong đó có hạng mục đặt tượng cụ Phan Châu Trinh.
PGS-TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị khu vực 3, cho rằng trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, muốn khai dân trí, chấn dân khí thì phải đổi mới giáo dục. Bởi chỉ có giáo dục mới thay đổi được thân phận cho mỗi người và thay đổi vị thế quốc gia, và đấy phải là một nền giáo dục mới tiếp cận với văn minh các nước tiên tiến, không chỉ cho một số ít mà phải là nền giáo dục quốc dân. Ngoài ra, chủ trương của Phan Châu Trinh là phải chấn hưng kinh tế để thoát cảnh dân nghèo, nước khó…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho rằng cả cuộc đời nhà yêu nước Phan Châu Trinh luôn đau đáu một tấm lòng vì dân, vì nước, luôn đi tìm “thuốc” chữa trị vận nước, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử VN và trong tiến trình đấu tranh vì sự phục hưng dân tộc. “Cuộc đời, sự nghiệp và những di sản mà cụ Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và hết sức thiết thực. Đó là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân; quan điểm Duy tân về học thuật, chủ nghĩa yêu nước, về vai trò của sĩ phu với thời cuộc; về tinh thần không ngừng tự học, tự vươn lên, luôn bắt nhịp và hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh”, ông Cường nói.
Bình luận (0)