Gọi là xóm ghe vì các hộ ở đây đều sinh sống trên những chiếc ghe chật hẹp, đóng bằng gỗ mục nát. Họ cũng không biết chính xác tuổi đời của xóm, bởi từ khi sinh ra đến nay gần 60 tuổi, cuộc sống họ chỉ quẩn quanh trên chiếc ghe của gia đình. Ghe hư chỗ nào thay chỗ đó, mối mọt ăn quá thì nhấn chìm xuống nước một ngày rồi cho nổi lên, ở tiếp.
Nằm trên kênh Đôi gần bến phà Phú Định (P.7, Q.8, TP.HCM), đường vào xóm ghe cây cỏ dại mọc um tùm, muốn vào phải bước trên những miếng ván rộng chừng 20 phân dựng tạm trên sông, phía dưới là con kênh nước đen ngòm, đủ loại rác thải và xác động vật nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Cuộc sống của người dân nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài. TP.HCM bùng phát dịch Covid-19, xóm ghe lại "đông" người hơn vì thanh niên, trung niên thất nghiệp nằm ở nhà.
Cả đời trên sông
Men theo miếng ván nối từ bờ đến nhà bè đầu tiên, chúng tôi gặp gia đình bà Nguyễn Thị Mai (53 tuổi). Nhà bè này vừa được vợ chồng bà đóng tạm 2 năm trước, bằng những thùng xốp, miếng gỗ do ông Nguyễn Văn Bền (56 tuổi, chồng bà) nhặt được khi đi vớt ve chai kiếm sống.
“Cả nhà 11 người mà ở trên chiếc ghe thì chật quá, ban ngày ngồi thôi cũng không đủ chỗ mà nóng hầm hập. Tối đến tụi nhỏ phải ngủ trên mui lạnh cóng nên nhà tôi đóng bè này ở tạm. Cả cuộc đời tôi đã ngày nào ở trên bờ đâu”, bà Mai giải thích.
|
|
Gia đình bà Mai gốc Campuchia, năm 1975, xuôi theo dòng nước, bà cùng cha mẹ đi ghe cùng với 6 ghe khác về TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) sinh sống.
Nhà nào cũng nghèo, không biết chữ, ai thuê gì làm đó, ông bà phải đi mót lúa còn sót trên ruộng để có cơm qua ngày. Hơn chục năm trước, thấy khó duy trì cuộc sống khi con cái đến tuổi trưởng thành, họ lại rủ nhau chạy ghe lên đậu ở kênh Đôi ven Sài Gòn.
Theo lời bà Mai, từ ngày lên Sài Gòn, cuộc sống của các hộ ổn định hơn, những người tầm tuổi ông bà thì đi đánh cá, vớt ve chai, thanh niên thì đi lên bờ tìm việc làm, tối đến lại chui rúc trong ghe.
|
|
Người phụ nữ gốc Campuchia nói: “Hơn 1 năm trước, có mạnh thường quân đến thuê giúp căn nhà trọ ngay nơi đậu ghe để đưa đứa cháu bướu cổ lên sống, nhưng trên đó chật quá, lại nóng nực nên tối đến chỉ có con út ở đó. Nhờ vậy, chúng tôi nối điện, nối ống nước ra ghe, xóm ghe cũng bắt đầu có điện, nước sinh hoạt từ ngày ấy”.
Chiếc bè của gia đình bà Mai được ghép bằng mấy miếng gỗ mục đặt trên những chiếc thùng xốp, can nhựa giúp bè nổi trên mặt nước. Hễ có thuyền hay ghe lớn đi qua, sóng nước ập vào mé bờ, nhà bè lập bập bồng trên mặt nước. Bên trong, đồ đạc treo tứ tung, nhiều món là “thành quả” của những buổi đi vớt ve chai trên sông.
Chiếc bè và chiếc ghe chật chội này là nơi 11 người của 3 thế hệ nhà bà Mai che mưa che nắng. Có nóng bức, có ướt mưa, nhưng bao lâu qua, họ đã quá quen với cuộc sống lênh đênh.
|
|
Xóm ghe này cũng thật đặc biệt, vì chỉ có một lối vào duy nhất nên để đi sang được ghe nhà này thì phải bước qua ghe của nhà kia mà không ai thấy phiền hà hay khó chịu.
Cạnh bên ghe nhà bà Mai là chiếc ghe lớn mà gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu (51 tuổi) đang ở đậu. Thực ra ghe nhà bà là chiếc đã bị chìm, được kéo vào nằm xác xơ ở gần bờ. Mai này, khi chủ ghe lấy lại, bà Hiếu cũng chưa biết ở đâu…
Cạnh bên nữa là chiếc ghe nhỏ xíu của bà cụ gần 90 tuổi đầu tóc bạc phơ ở cùng cháu trai đi làm phụ hồ. Dù chưa đến tuổi lao động, nhưng vì không được học hành nên cháu bà Hai đi làm từ sớm, các con của bà thì sau khi có vợ có chồng đều dọn lên bờ sinh sống, mà ai cũng nghèo. Bà cụ suốt ngày ở trên ghe, chui rúc trong chiếc mùng tránh muỗi, luôn mừng rỡ mỗi khi có khách ghé thăm.
Chật vật mưu sinh
Ở xóm ghe, đa phần 3 thế hệ không được đi học, hiện cả xóm 7 hộ gia đình nhưng chỉ có duy nhất con gái của bà Hiếu đang đi học (lớp 7). Ngày qua ngày, những người luống tuổi như bà Hiếu, bà Mai đi vớt ve chai mưu sinh, thanh niên trai tráng thì đi phụ hồ, ngày kiếm đôi ba trăm ngàn.
|
Bà Hiếu kể, 3 năm nay, bà phải ở nhà chăm đứa cháu xấu số bị bại não bẩm sinh và hẹp đường thở mà mẹ nó bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Chồng bà làm phụ hồ, ngày công được trả 300.000 đồng, nhưng từ khi có dịch Covid-19, mỗi tuần may ra chỉ làm được 2 bữa.
Cầm mớ hồ sơ bệnh án, bà thở dài: “Tôi vừa đi khám bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, mà vào khám thấy mặt tôi bình thản, ai cũng ngạc nhiên. Nhưng giờ thử hỏi, không bình thản tôi biết làm gì khác”.
Nhà bà Mai thì khá hơn đôi chút khi hơn 2 năm trước, vợ chồng bà vẫn lấy âm ly, loa đài cũ từ chợ Nhật Tảo về chở trên ghe đi bán, mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn dễ dàng. Càng về sau này, ai cũng có smartphone, việc bán buôn của ông bà ế chỏng chơ.
Gặp ngay thời điểm ông Bền bị tai biến, ông cũng không chạy ghe hay làm việc nặng nhọc được nữa, ngón tay, ngón chân ố vàng, chai sạn vì lội nước mặn lâu ngày. Số loa dư đành chất đống ở trong bè, ông cũng chuyển sang nghề đi vớt ve chai dọc kênh Đôi hoặc sông Chợ Đệm.
Bà Mai ở nhà cọ rửa chai cho sạch để bán, số tiền kiếm được từ vớt ve chai chỉ khoảng hai, ba chục ngàn, vừa đủ mua tí rau, hôm nào nhiều thì mua được chút thịt.
|
|
Trên chiếc bè nhỏ của nhà bà Mai còn có 2 đứa cháu nheo nhóc, bé trai bị bướu to ở cổ làm khuôn mặt biến dạng liên tục quấy khóc, bé gái 5 tuổi đang tập viết chữ cũng thoáng buồn mỗi khi hỏi bà nội: “Mẹ con đâu”.
Bà Mai tâm sự: “Nó hỏi vậy chứ nó biết là mẹ nó bỏ nó từ lâu rồi. Hồi nó chưa thôi nôi là mẹ nó đã bỏ lên bờ ở, mặc kệ 2 cha con. Từ đó tới nay, mẹ nó không về thăm, cũng không ai nói được vì ngày xưa tụi nó có cưới hỏi gì đâu. Chỉ tội con bé, không được đi học mẫu giáo, không biết sắp tới xin vào lớp 1 thế nào”.
Vừa dỗ bé trai, bà Mai cười kể, vì việc di chuyển trên bè khó khăn nên nhiều khi ẵm cháu, cả bà lẫn cháu té sông suốt. Mới đây, có lần té loạng choạng, bà buông tay nên hốt hoảng gọi cả nhà xuống dòng nước đen ngòm để mò tìm cháu. Vớt lên được, thằng bé xanh mặt, còn bà bị trầy một vết dài bên bắp đùi.
|
|
“Bé gái thì hay tự đi một mình, rồi cũng té như cơm bữa. Nước ở đây đen quá nên không tập bơi cho mấy đứa nhỏ được, chứ nhà ở ghe, ở bè mà không biết bơi thì sợ lắm, người lớn phải canh suốt”, bà Mai chia sẻ.
Cả bà Mai và bà Hiếu đều thừa nhận, những năm qua xóm ghe này vẫn sống lay lắt được ở Sài Gòn là nhờ có mạnh thường quân cho gạo. Nghèo cỡ nào đi nữa, nhưng được cho gạo nấu cơm qua ngày, chắc bụng, họ lại có sức để làm việc, để bám trụ ở mảnh đất này sau nhiều năm phiêu dạt theo dòng nước.
Bình luận (0)