Vasep đề nghị Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
Trước đó, ngày 12.8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp (CVD) tôm nước ấm từ Việt Nam. Theo đó, DOC quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam. Cụ thể, mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là Công ty thủy sản Minh Quí là 7,88% và Công ty thủy sản Nha Trang 1,15%; mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả các công ty khác là 4,52%.
Theo Vasep, quyết định áp thuế CVD như trên là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong lúc các doanh nghiệp đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
Cũng theo Vasep, không chỉ ngành tôm của Việt Nam và các nước khác chịu thuế CVD này bị ảnh hưởng nặng nề mà chính người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng sẽ chịu tác động trực tiếp. Họ sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ. Tôm nhập khẩu chiếm trên 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường Hoa Kỳ.
“Chúng tôi phản đối quyết định về mức thuế CVD của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Đề nghị ITC xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này”, thông cáo của Vasep nêu rõ.
Chí Nhân
>> Việt Nam xuất khẩu lô xe du lịch Mazda đầu tiên sang Lào
>> Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu
>> Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao xuất khẩu
>> Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU
>> Sản xuất thép tăng nhờ xuất khẩu
Bình luận (0)