Phản giáo dục trên TikTok: 'Đóng giả' thầy cô, học sinh để 'làm trò'

15/05/2023 19:41 GMT+7

Nhập vai thầy, trò nhưng có cách tương tác phản giáo dục, chế nội dung bài học thành phiên bản khác rồi đăng kèm hình ảnh phản cảm... là những video mang chủ đề đời sống học đường của một bộ phận TikToker hiện nay.

Trước thực trạng nhiều người dùng TikTok tự xưng hoặc được cho là giáo viên, học sinh quay video có nội dung phản cảm, phản giáo dục để đăng trên nền tảng này như nói tục, dạy cách yêu, nhảy "khoe dáng" hay hút thuốc, "khịa" thầy cô, bày cách gian lận mà Báo Thanh Niên từng đưa tin, có không ít TikToker chuyên nghiệp cũng xem đời sống học đường là chủ đề "màu mỡ" để sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, không phải video nào cũng bổ ích và lành mạnh.

"Thầy", "trò" diễn cảnh phản cảm

Một trong những nội dung nổi bật được khai thác thường xuyên trên TikTok là kiểu nhập vai nhân vật, khi TikToker đảm nhận những vai đặc trưng trong lớp học như giáo viên, giám thị, phụ huynh, học sinh... để diễn theo những kịch bản có sẵn, lấy bối cảnh học đường, thường mang yếu tố hài hước. Điển hình của trào lưu này là những tài khoản như Y.Y.D, H.H.O, G.H... đều có hàng trăm nghìn người theo dõi và hàng triệu lượt thích trên TikTok.

Phản giáo dục trên TikTok: 'Đóng giả' thầy cô, học sinh để 'làm trò' - Ảnh 1.

Nhiều TikToker làm video theo kiểu nhập vai giáo viên và học sinh với nội dung phản cảm, thu về lượng lớn tương tác

CHỤP MÀN HÌNH

Trên trang cá nhân, những TikToker này chuyên đăng video tự đóng nhiều vai diễn khác nhau để luân phiên đối đáp, trong đó có không ít nội dung phản cảm. Chẳng hạn, trong video có hơn 337.000 lượt xem của Y.Y.D, sau khi "cô giáo" phát biểu "em phải xem trường học như nhà của mình", "học trò" vặn lại "nếu đây là nhà của em, em đã không cho cô vào rồi". Hay một video thu hút gần 1 triệu lượt xem do H.H.O đăng tải, khi "cô giáo" nói "đứa nào nói nhiều đi ra khỏi lớp cho tôi", "học trò" đáp lời rằng "dạ em mời cô ra khỏi lớp, nãy giờ cô nói nhiều nhất", sau đó "cô giáo" có hành động tát vào mặt "học trò".

Ở một video khác có khoảng 2,4 triệu lượt xem, TikToker B.L đóng vai cùng đồng nghiệp, trong đó hai người mặc sơ mi trắng, đeo khăn quàng đỏ và một người mặc áo dài nhằm minh họa hình ảnh học trò và cô giáo nhưng lại có những câu thoại không lễ phép so với hình tượng. Cụ thể, "học trò" nói rằng "cô giáo, mai nghỉ một bữa nha", khi "cô giáo" thắc mắc vì sao thì "học trò" dọa nạt "cô hỏi hơi nhiều rồi đó, giờ cho không... trong giới giang hồ này, em tôn trọng nhất là cô, nên em mới xin phép cô...".

Nói về những video TikTok theo kiểu "đóng giả" thầy cô và học sinh, Lê Phương Uyên, sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận đây chỉ là "mặt nổi của tảng băng chìm". "Bản thân tôi cũng từng xem nhiều video phản cảm về chủ đề học đường được đăng tải trên các kênh TikTok của Việt Nam lẫn quốc tế, tiêu biểu nhất là việc 'tình dục hóa' hình tượng giáo viên như 'cô giáo Thảo' hay 'thầy Wilson và trò Jessica'...", nữ sinh viên cho biết.

Phản giáo dục trên TikTok: 'Đóng giả' thầy cô, học sinh để 'làm trò' - Ảnh 2.

Nhiều TikToker chuyên nghiệp chọn sáng tạo nội dung dựa trên chủ đề học đường nhưng lại có những hành vi, phát ngôn phản cảm, phản giáo dục

CHỤP MÀN HÌNH

Theo Uyên, những video trên có thể tác động rất lớn đến nhận thức của học sinh và giáo viên, đặc biệt là làm suy đồi các giá trị đạo đức như tôn sư trọng đạo. "Đối với học sinh, các bạn có thể nảy sinh cái nhìn phiến diện về nghề giáo, dẫn đến những tư tưởng, hành vi không phù hợp như ứng xử với thầy cô theo kiểu 'bằng vai phải lứa'. Còn đối với giáo viên, cách ứng xử tiêu cực của học sinh, cả ngoài đời thực lẫn mạng xã hội, có thể khiến thầy cô ít nhiều bị tổn thương", Uyên nêu quan điểm.

Chế thơ, hướng nghiệp độc hại

Gần gũi với lứa tuổi học trò là các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, trong đó có những bài thơ nổi tiếng như Lượm hay Nam quốc sơn hà. Đây cũng là chất liệu để nhiều TikToker "xào nấu" lại để cho ra những bản nhạc bắt tai, nhưng lại kèm nội dung và hình ảnh phản cảm.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 4.2023, hiện tượng mạng "chú bé loắt choắt" được nhiều TikToker trẻ tuổi hưởng ứng đã vấp phải tranh cãi gay gắt vì ca từ và hình ảnh. Cụ thể, nhạc được chế lời từ bài thơ Lượm của tác giả Tố Hữu nhưng lại được cải biên theo hướng vô nghĩa, trong đó có đoạn "chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu... cắt moi". Đáng chú ý, đoạn nhạc chế được TikToker lồng ghép cùng những hình ảnh khoe da thịt, hoặc nữ sinh mặc áo dài nhưng tạo dáng phản cảm.

Phản giáo dục trên TikTok: 'Đóng giả' thầy cô, học sinh để 'làm trò' - Ảnh 3.

Hiện đoạn nhạc chế "Chú bé loắt choắt" cùng nhiều video phản cảm liên quan đã bị gỡ bỏ khỏi nền tảng TikTok

CHỤP MÀN HÌNH

Hay ở một video thu hút khoảng 6,2 triệu lượt xem, tác phẩm Nam quốc sơn hà vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam cũng bị TikToker chế thành bài ca... đi nhậu. Cụ thể, trong video, phần lời được cải biên thành: "Nam quốc sơn hà nam đế cư, chén rượu để lâu nó sẽ hư, để rượu nó hư thật là phí, anh em đồng ý nâng ly lên!" kèm hình ảnh bàn nhậu.

Vấn đề hướng nghiệp cũng không tránh khỏi những biến tướng như trào lưu "những bằng ĐH vô dụng nhất Việt Nam" hồi tháng 3.2023. Đây là những video có chung nội dung khuyên người học từ bỏ các ngành học như quản trị kinh doanh, bất động sản, ngôn ngữ Anh, marketing... vì "vô dụng nhất", "dễ thất nghiệp", "không có tương lai", được nhiều chuyên gia đánh giá là chủ quan, vô căn cứ với mục đích chính là "câu" lượt xem, không hề có giá trị hướng nghiệp nhưng lại gây xôn xao trong dư luận.

Để sử dụng TikTok hiệu quả

Bình luận về những nội dung phản giáo dục trên TikTok, bạn đọc Phan Hưng Duy cho rằng cần một bộ luật bảo vệ thuần phong mỹ tục, từ đó tạo cơ hội để cơ quan chức năng có thể mạnh tay hơn trong việc duy trì văn hóa, truyền thống dân tộc, cũng như bảo vệ tâm hồn trẻ vị thành niên. Đồng tình, độc giả Hung Nguyen khẳng định TikTok có thể giúp người dùng kiếm tiền và nổi tiếng, nhưng không vì thế mà đánh đổi nhân cách, đạo đức. "Đề nghị cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ, chế tài xử phạt thật nặng để loại bỏ nội dung độc hại", người này nói.

Phản giáo dục trên TikTok: 'Đóng giả' thầy cô, học sinh để 'làm trò' - Ảnh 4.

Trào lưu "Những bằng ĐH vô dụng nhất Việt Nam" trên TikTok từng khiến dư luận xôn xao hồi tháng 3.2023

CHỤP MÀN HÌNH

Thực hiện nhiều nội dung bài học trên TikTok, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi trực tuyến, nhận định học sinh có thể đạt được nhiều lợi ích về mặt học thuật khi sử dụng mạng xã hội này. "Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt", thầy Công lưu ý. Theo đó, việc học sinh lạm dụng nền tảng này cho mục đích tiêu cực như lan truyền mẹo gian lận thi cử, công kích thầy cô hay "đu" theo trào lưu độc hại là những tín hiệu khẩn cấp kêu gọi những nhà quản lý giáo dục cần nhanh chóng vào cuộc xử lý.

"Phải khẳng định rằng ở lứa tuổi học trò, khi nhiều em vẫn chưa hình thành được nhận thức đúng đắn, việc đăng tải những video tiêu cực đôi lúc chỉ là làm theo phong trào mà không lường trước được hậu quả. Vì lẽ đó, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho học sinh mà vấn đề này còn có trách nhiệm của nhiều bên khác như gia đình, thầy cô và nhà trường trong công tác giám sát và giáo dục tư tưởng cho các em", nam giáo viên phân tích.

Thạc sĩ Công gợi ý thầy cô có thể hướng dẫn học sinh làm sao để dùng mạng xã hội, chẳng hạn như TikTok, một cách hiệu quả, thay vì cấm cản vì "điều này là không thể". Thậm chí, giáo viên cũng nên "dấn thân" trải nghiệm mạng xã hội này để phục vụ hoạt động giảng dạy, từ đó nắm bắt tốt hơn tâm lý học trò. "Chính phủ phải mạnh tay trong công tác kiểm duyệt và thanh lọc nội dung độc hại trên TikTok, đặc biệt cần sớm chấm dứt thực trạng nhiều 'giáo viên' tự xưng có những hành vi làm lệch lạc hình ảnh người thầy như hiện nay", thầy Công đề xuất.

Hôm nay (15.5), bắt đầu kiểm tra TikTok tại Việt Nam

Thông tin tại buổi họp báo ngày 5.5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình-thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho hay đợt kiểm tra tại TikTok bắt đầu từ 15.5 đến hết tháng 5. Bộ TT-TT đã gửi công văn cho các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính)... để cử người tham gia đoàn công tác.

Trước đó, trong tháng 4, Bộ TT-TT đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Từ đó, Bộ TT-TT dự kiến nội dung kiểm tra tập trung vào thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng; việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên TikTok; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng...

Bang đầu tiên của Mỹ cấm TikTok

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.