TikTok với lượng người dùng trẻ tuổi đông đảo là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt ở khía cạnh học thuật. Điều này bắt đầu từ khi đơn vị này khởi xướng chương trình học trên TikTok vào tháng 8.2020, nhằm khuyến khích người dùng chia sẻ các nội dung đa lĩnh vực liên quan đến giáo dục như sức khỏe, công nghệ hay môn học, hướng nghiệp. Tuy nhiên, trong các chương trình này có cả những nội dung phản cảm, phản giáo dục.
"Cô giáo" dạy cách... chinh phục đàn ông
Bên cạnh những kiến thức, thông tin bổ ích trên TikTok, có không ít người dùng tự giới thiệu là giáo viên các cấp chuyên đăng tải video bài giảng hoặc nội dung liên quan đến đời sống học đường, thậm chí "kéo" học sinh cùng tham gia. Trong số đó, có nhiều tài khoản còn quảng cáo những sản phẩm giáo dục, thường là khóa học hoặc sách tham khảo liên quan đến môn học.
Tự giới thiệu là giáo viên ngữ văn có các khóa học trực tiếp lẫn trực tuyến khối THCS, THPT, tài khoản T.H.T có khoảng 1,1 triệu người theo dõi và 14,6 triệu lượt thích trên TikTok. Cô giáo này thường đăng tải video về tình yêu, đời sống trong đó lồng ghép ngữ liệu văn học, mỗi sản phẩm thu hút từ vài trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi học trò.
Chẳng hạn, trong video về "Cách chinh phục đàn ông", cô giáo T.H.T khuyên nữ sinh phải... lẳng lơ để "nắm thóp" người yêu. "Bản năng của đàn ông là tham. Người ta nói rồi, anh hùng không qua ải mỹ nhân, nên đàn bà phải nói, nhưng mà không được nói quá nhiều. Đàn bà phải biết lẳng lơ, lẳng lơ, lẳng lơ! Hiểu không?... Làm gì có mấy con đàn bà đi làm kiếm tiền cho thằng đàn ông. Nhưng tôi thấy thế giới này toàn những thằng đàn ông chết vì con đàn bà...", tài khoản này khẳng định.
Mặt khác, trong video "Nghệ thuật trong tình yêu", T.H.T mặc quân phục nhưng lại chia sẻ cách... đưa đẩy khi yêu nhau.
Ở một video khác, T.H.T cho rằng con cái không đủ tư cách có cái tôi đối với cha mẹ. "Nếu mẹ sai, con vẫn phải nghe và làm theo. Mẹ chắc chắn không phải là người hoàn hảo, mẹ không thể lúc nào cũng đúng nhưng mẹ yêu cầu con phải làm theo vì đấy là đạo làm con.... Mẹ đưa ra quyết định là vì mẹ yêu con", tài khoản này nêu quan điểm. Điều này nhận về không ít phản đối từ học sinh dưới phần bình luận, cho rằng việc "giam cầm" con trong suy nghĩ của cha mẹ chỉ mang về hậu quả tiêu cực.
Trước đó, vào năm 2021, tài khoản TikTok tên M.T từng được cộng đồng mạng gắn với danh xưng "cô giáo dạy vật lý kiểu gen Z" cũng vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chuyên môn và thái độ khi dạy lớp trực tuyến. Cụ thể, người này được cho là đã dạy sai kiến thức cơ bản, nói bậy trên sóng livestream, tự xưng giáo viên dù chưa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội... Không lâu sau đó, M.T đã lên tiếng đính chính và gỡ danh xưng "cô giáo" khỏi trang cá nhân.
"Sàn diễn thời trang" chốn học đường
Ngoài nội dung giảng dạy, yếu tố thời trang cũng là một trong những xu hướng phổ biến của các giáo viên TikTok ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, các tài khoản này sẽ phối đồ đẹp mắt theo chủ đề trang phục thường ngày hoặc áo dài, sau đó đi "catwalk" trong khuôn viên trường học để khoe hình thể và gu thời trang, tiện thể quảng cáo cho các sản phẩm quần áo.
Cá biệt, có tài khoản H. thu hút khoảng 3,7 triệu lượt theo dõi còn thực hiện những hành động phản cảm như mặc đồ bó sát, mang giày cao gót rồi nhảy nhót, uốn éo trong lớp học. Người này được cho là một giáo viên toán học hiện công tác tại một trường CĐ (tỉnh Vĩnh Phúc).
Bên cạnh nội dung "catwalk" và nhảy nhót, tài khoản này cũng đăng tải video dạy cách giải toán, tuy nhiên luôn chọn góc quay từ dưới lên để tôn dáng, đôi khi không nhìn rõ nội dung bài học. Dưới phần bình luận, đa số học sinh đều khen ngợi "làm sao học được khi cứ mãi ngắm cô", "cô xinh gái quá", "ước được học cô"...
Lý giải nguyên nhân một bộ phận TikToker làm video có nội dung phản cảm, anh Đỗ Hoài Nam (ngụ Q.2, TP.HCM), hiện làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung trên TikTok, cho rằng yếu tố lượt xem là tiên quyết. "Dù phản cảm, nhưng chỉ cần có người xem, những nội dung trên sẽ càng viral (lan tỏa) và TikToker càng nổi tiếng, từ đó có thêm cơ hội kinh doanh, cải thiện thu nhập. Đó là lợi ích trước mắt họ thường quan tâm, thay vì lợi ích lâu dài", anh Nam chia sẻ.
Cũng theo nam chuyên viên, vì mục đích sử dụng TikTok trước nhất của người dùng là giải trí nên nhiều kênh tập trung "đánh" vào yếu tố này để tăng lượt xem, thể hiện qua việc hình ảnh xem trước của video đều cố tình gây tò mò, khó hiểu, thậm chí gây tranh cãi. "TikToker cũng thường tập trung vào một motif (kiểu) theo họ là có lượt xem để xây dựng thương hiệu riêng, chẳng hạn như cô giáo dạy chuyện tình yêu, hay cô giáo 'khoe dáng', để tránh bị hết thời", anh Nam nói.
Để con cái hạn chế tiếp xúc với video có nội dung phản cảm, anh Nam khuyên phụ huynh sử dụng tính năng Gia đình thông minh trên TikTok để quản lý nội dung con có thể tiếp cận. Một cách khác là ấn nút "Không quan tâm" hoặc không nên ở lại xem video quá dài, khiến thuật toán nhầm lẫn rằng người dùng thích nội dung này và tiếp tục đề xuất video liên quan, anh Nam gợi ý.
Lệch lạc hình ảnh người thầy
Là người thường xuyên dùng TikTok, Lâm Vĩnh Hồng, lớp 12TH Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho rằng những nội dung phản cảm về giáo dục nếu được đăng tải thường xuyên trên TikTok mà không có hành động cảnh báo hay hạn chế sẽ khiến những học sinh như em quen dần, sau cùng nhận định đây là việc bình thường, hiển nhiên. "Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như làm lệch lạc hình ảnh người thầy, hay khuyến khích học sinh yêu sớm", Hồng ví dụ.
"Để môi trường TikTok 'sạch' hơn, em nghĩ ngoài việc thắt chặt quá trình kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội thì ý thức người dùng, đặc biệt là học sinh chúng em, cũng cần được đề cao. Nhà trường có thể tổ chức những buổi chia sẻ cho học sinh để chỉ ra đâu là nội dung độc hại cần tránh và cách sử dụng TikTok thông minh, hiệu quả với quá trình học tập", nam sinh đề xuất.
Một giáo viên giáo dục công dân hiện công tác tại Q.3, TP.HCM thì nêu quan điểm rằng cũng như học sinh, rất nhiều giáo viên đang sử dụng các trang mạng xã hội như TikTok để chia sẻ đời sống học đường, thậm chí là dạy học. "Tuy nhiên, môi trường sư phạm yêu cầu những chuẩn mực nhất định về trang phục, tác phong và ngôn ngữ, cả trong lớp học lẫn trên mạng xã hội. Hình ảnh người thầy càng phải được chú trọng hơn nữa khi TikToker lấy giảng đường, trường học làm bối cảnh để sáng tạo nội dung", thầy lưu ý.
Theo vị này, TikToker là giáo viên không nên mặc trang phục gây "nhức mắt", khiến học sinh mất tập trung; khi dạy học cần tránh mang nội dung bài ra khỏi ngữ cảnh của nó; còn lúc chia sẻ chuyện đời sống thì hạn chế lạm dụng ngôn ngữ sinh hoạt có phần "chợ búa". Giáo viên cũng có thể "bắt trend", tuy nhiên phải nhận diện và hạn chế làm theo những trào lưu nhố nhăng, phản cảm. "Nhìn chung, sử dụng mạng xã hội luôn là con dao 2 lưỡi nên giáo viên phải cân nhắc rõ mục tiêu giáo dục là gì, đừng vì cái lợi nhất thời mà ảnh hưởng đến hình tượng người giáo viên", thầy cảnh báo.
Bình luận (0)