Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ của tình yêu...

29/06/2015 14:44 GMT+7

​(TNO) Trong suốt 70 năm gắn bó với âm nhạc, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã giới thiệu đến khán giả hơn 100 ca khúc, mà phần lớn trong số đó là những bài ca tình yêu da diết và đầy lạc quan.

(TNO) Trong suốt 70 năm gắn bó với âm nhạc, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã giới thiệu đến khán giả hơn 100 ca khúc, mà phần lớn trong số đó là những bài ca tình yêu da diết và đầy lạc quan.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11.11.1924 tại Đà Nẵng trong một gia đình có 11 người con. Trưởng thành cùng những làn điệu dân ca, câu hò của vùng đất quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng thanh bình, tình yêu và sự gắn bó với âm nhạc lớn lên như một điều tự nhiên trong con người ông. Đến năm 1940, cậu thiếu niên Phan Huỳnh Điểu chính thức bắt đầu hoạt động âm nhạc trong nhóm Tân nhạc. Ca khúc đầu tay Trầu cau ra đời sau một buổi đi xem vở kịch Tục lụy được diễn ở Đà Nẵng.
Là người đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, từng trở thành người lính trong những năm 1940 mưa bom bão đạn, thế nên hơn ai hết Phan Huỳnh Điểu được xem là một trong những nhạc sĩ có sáng tác gắn liền với chiều dài lịch sử đất nước. Chứng kiến tinh thần yêu nước, sự hi sinh anh dũng của những người lính, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác những bài hát đi vào lòng nhiều thế hệ như Đoàn giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Quê tôi ở miền Nam… Điều đặc biệt trong âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu là dù viết về chiến tranh, mất mát hay những nỗi buồn thì vẫn luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Một điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông mà không ai có thể quên đó là những bài hát được phổ nhạc từ thơ. Mong muốn đem đến một sức sống mới cho thơ ca bằng những nốt nhạc đã ấp ủ trong Phan Huỳnh Điểu từ những ngày còn đi học. Sau vài lần thử sức chưa vừa ý, mãi đến những năm kháng chiến chống Mỹ rồi thống nhất đất nước, những bài hát được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ thơ mới thật sự nổi bật và trở thành nét riêng của ông như Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông em cuối sông, Ở hai đầu nỗi nhớ…
Một trong những ca khúc phổ thơ đáng nhớ nhất của ông là Bóng cây Kơnia. Ông đã ấn tượng bài thơ của tác giả Ngọc Anh ngay từ lần đầu đọc nó vào năm 1959 và lập tức phổ nhạc nhưng không hài lòng. Mãi đến 12 năm sau khi tham gia chiến trường Tây nguyên, Phan Huỳnh Điểu mới có cảm hứng để hoàn thành ca khúc này.
Ông vẫn miệt mài làm việc dù đã bước qua tuổi 90 - Ảnh: Độc Lập 
Cũng như chính nhạc sĩ từng khẳng định, tình yêu chính là nguồn cảm hứng lớn của ông, còn yêu mới sống và làm việc đầy nhiệt huyết được. Vì thế, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu cũng tràn ngập tình yêu. Có tình yêu đôi lứa xa cách, da diết trong những năm tháng chiến tranh như Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Tình trong lá thiếp..; cũng có những bản tình ca nói về nỗi lòng rối rắm của những người yêu nhau mà nổi bật nhất là ca khúc Thuyền và biển được phổ lại từ bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh. 
Cho đến những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn hát, vẫn làm giám khảo cuộc thi Tiếng hát mãi xanh, dành cuộc sống, nhiệt huyết và tình yêu cho âm nhạc như cái cách ông truyền tải vào mỗi tác phẩm của mình. “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” đã ra đi, nhưng những tác phẩm và nhất là tình yêu mà ông gửi gắm trong đó vẫn sẽ còn mãi trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.