Phần Lan rộng cửa đón lao động VN, lương khởi điểm 40 - 52 triệu

18/01/2025 07:06 GMT+7

Từ năm nay, Phần Lan chính thức tiếp nhận chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ VN sang làm việc ở nhiều lĩnh vực. Mức thu nhập ổn định từ 1.500 - 2.000 euro/tháng (tương đương 40 - 52 triệu đồng), điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt.

Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng, lao động thời vụ VN đi làm việc tại Phần Lan giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đã được ký kết vào ngày 13.1 vừa qua tại Hà Nội.

Thiếu hụt nhân lực công nghệ, chăm sóc sức khỏe, giáo viên mầm non…

Theo Bộ trưởng Việc làm của Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen, chuyến thăm và làm việc tại VN của ông mở ra các hướng hợp tác sâu rộng và cơ hội nghề nghiệp tại Phần Lan cho lao động VN trong các lĩnh vực như công nghệ, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe, giáo viên mầm non...

Ông Arto Olavi Satonen cho hay: "Phần Lan là quốc gia có dân số già, tỷ lệ lao động hằng năm về hưu lớn hơn so với lao động gia nhập thị trường từ 10.000 - 15.000 người. Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty Phần Lan tuyển dụng lao động ở nước ngoài. Chúng tôi nhận thấy thị trường lao động ở các quốc gia châu Á, trong đó có VN rất sôi động và quan trọng, có thể cung cấp nguồn lao động tốt cho Phần Lan".

Phần Lan rộng cửa đón lao động VN, lương khởi điểm  40 - 52 triệu- Ảnh 1.

Phần Lan đang có nhu cầu tuyển dụng lao động VN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

ẢNH: PHẠM THANH BÌNH

Ngoài lý do trên, Bộ trưởng Arto Olavi Satonen còn đánh giá lao động VN rất cần cù và chịu khó. Hiện tại có 15.000 người VN đang sinh sống, học tập và làm việc tại Phần Lan. Tuy nhiên, lao động muốn làm việc và sinh sống dài hạn tại nước này phải biết tiếng Anh hoặc Phần Lan. Đối với ngành chăm sóc sức khỏe yêu cầu về ngôn ngữ tiếng Phần Lan rất quan trọng còn đối với các ngành nghề khác có thể chỉ cần sử dụng tiếng Anh.

Về nhu cầu tuyển dụng lao động, ông Arto Olavi Satonen cho hay: "Chúng tôi cần 1,3 triệu lao động đến năm 2040. VN là một trong 4 quốc gia (VN, Philippines, Ấn Độ, Brazil) chúng tôi ưu tiên tuyển lao động. Số lượng lao động tuyển dụng phụ thuộc vào các công ty cũng như nhu cầu phát triển kinh tế thay đổi hằng năm. Chúng tôi đang cần lao động trong các ngành nghề: chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin...".

Về chính sách thu hút lao động, đại diện Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan chia sẻ: "Tuy điều kiện khí hậu, thời tiết rất lạnh, nhưng chúng tôi có nhiều lợi thế khác. Nhiều năm liên tiếp Phần Lan đứng đầu trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, có môi trường sinh sống an toàn, chế độ phúc lợi tốt, cơ sở vật chất hiện đại. Điều kiện làm việc, quyền của người lao động được đánh giá cao, chúng tôi không phân biệt mức lương giữa lao động Phần Lan và lao động nước ngoài. Đặc biệt, ở một số ngành nghề, lao động có thể đưa cả gia đình cùng sang Phần Lan. Con của người lao động được miễn phí học phí từ mầm non đến phổ thông".

Đánh giá về thị trường lao động Phần Lan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định lao động VN hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu mà nước này đặt ra. Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Phần Lan, đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số thì đây chính là lợi thế của VN. "Chúng tôi tán thành và tạo mọi điều kiện hợp tác, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu", ông Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ VN có hợp đồng cung ứng 134 lao động làm việc tại Phần Lan. Đến nay đã có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan, với thu nhập ổn định từ 1.500 - 2.000 euro/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để VN chấp thuận phái cử lao động.

Tạo ra sự đa dạng trong môi trường nhân sự

Chỉ ra những điểm mà lao động VN cần phải khắc phục khi ra nước ngoài làm việc, bà Trần Thị Minh Thu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bách nghệ toàn cầu (Glo-Tech), bày tỏ: "Có 3 điểm yếu mà lao động VN cần khắc phục là khả năng ngôn ngữ yếu, thiếu kinh nghiệm làm việc quốc tế, thiếu kỹ năng mềm".

Ngoài ra, khi làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt còn gặp các thách thức phải đối mặt như khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ; rào cản về mặt pháp lý và thiếu sự hỗ trợ. Đây là những trở ngại khiến người lao động thiếu tự tin, dễ bị lợi dụng, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Về giải pháp, bà Thu đề nghị: "Chính phủ và các trường nghề cần phải thay đổi xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng người Việt chuyên sâu hơn, sát với thực tế hơn để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài có tay nghề tốt, nắm vững ngoại ngữ để họ có thể nắm bắt được văn hóa, tự tin hội nhập trong môi trường quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển, có tính tự chủ, minh bạch cao như Phần Lan".

Để lao động hòa nhập với môi trường làm việc quốc tế, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), cho rằng Chính phủ VN cần hoàn thiện khung pháp lý để các lao động có thể được tuyển dụng một cách minh bạch. Về phía doanh nghiệp tuyển dụng cũng phải minh bạch từ quá trình tuyển chọn, thông tin đến người lao động, công tác đào tạo... Khi thông tin ngày càng minh bạch, lao động VN sẽ ngày càng tự tin khi hòa nhập quốc tế.

Đại diện các doanh nghiệp VN cũng mong muốn phía Phần Lan hỗ trợ xây dựng, đầu tư nhiều hơn nữa đào tạo kỹ năng nghề, văn hóa làm việc quốc tế, để lao động Việt có thể tự tin vươn xa, đến bất kỳ quốc gia nào làm việc trong xu thế hội nhập quốc tế. Với tinh thần cầu tiến, chăm chỉ học hành, tin tưởng lao động Việt sẽ thành công.

Bộ trưởng Arto Olavi Satonen bày tỏ: "Phần Lan mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia nhằm giúp các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế kết nối với nhau. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà tuyển dụng và chuyên gia để đảm bảo họ có điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng thành công. Duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và quy trình tuyển dụng suôn sẻ vẫn luôn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Phần Lan khẳng định tiếp tục là đối tác đáng tin cậy trong tuyển dụng quốc tế, đồng thời mang lại chất lượng cuộc sống cao và nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng".

Bà Laura Lindeman, Giám đốc cao cấp, Trưởng bộ phận Work in Finland, chia sẻ thêm: "Việc tuyển dụng lao động nước ngoài sang Phần Lan làm việc không chỉ là đến làm việc lấp chỗ trống, mà điều chúng tôi mong muốn là tạo ra sự đa dạng trong môi trường nhân sự. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi có sự đa dạng sẽ kích thích sức sáng tạo, sự phát triển cho doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho lợi ích hai bên, các chuyên gia, người lao động VN không chỉ mang lại cơ hội cho Phần Lan mà sau này có thể đem kiến thức, sự tiến bộ, phát triển về VN".

Phần Lan dự kiến từ nay đến năm 2040 cần khoảng 1,3 triệu lao động. Trước hết, trong năm 2025, quốc gia Bắc Âu này cần khoảng 2.000 nhân công trong các lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ và thực phẩm, yêu cầu lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần khoảng 3.000 lao động với tiêu chí tuyển chọn khắt khe hơn là phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Phần Lan. Ngành công nghiệp dự kiến cần 1.000 lao động và con số này sẽ gia tăng trong những năm tới khi nền kinh tế Phần Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghệ thông tin cần khoảng 1.000 lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.