Quốc kỳ hai màu trắng - xanh dương của Phần Lan lần đầu tiên tung bay giữa quốc kỳ của Pháp và Estonia, trong buổi lễ diễn ra tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở ngoại ô Brussels (Bỉ). Sự kiện này cũng kết lại quá trình kết nạp nhanh nhất trong trong lịch sử NATO, nâng tổng số thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới lên thành 31.
Phần Lan gia nhập NATO, Nga cảnh báo đáp trả
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mục tiêu của cuộc chiến ở Ukraine là thu hẹp quy mô NATO. Ông ấy đang nhận về kết quả hoàn toàn ngược lại. Với việc Phần Lan trở thành thành viên chính thức, chúng tôi đang loại bỏ khả năng tính toán sai lầm ở Moscow về sự sẵn sàng của NATO trong việc bảo vệ Phần Lan, và điều đó làm cho Phần Lan an toàn hơn và NATO hùng mạnh hơn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu ngay trước lễ kết nạp Phần Lan ngày 4.4, theo Reuters.
Cùng ngày, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố về sự kiện lịch sử khi nước này chính thức trở thành thành viên NATO rằng: "Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng ta đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu".
Phần Lan cùng với Thụy Điển đã từ bỏ lập trường không liên kết về quân sự mà họ duy trì suốt nhiều thập niên để nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5.2022. Hai nước Bắc Âu đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia cho quyết định này trong bối cảnh Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, dẫn đến chiến sự lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Phần Lan bổ sung gì cho kho vũ khí quân sự của NATO
Việc kết nạp thành viên mới cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên hiện tại trong NATO, song nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển đã vấp phải rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Cho đến những tuần gần đây, Ankara và Budapest mới đồng ý để Phần Lan gia nhập liên minh, trong khi vẫn tiếp tục trì hoãn việc kết nạp Thụy Điển.
Do Phần Lan và Nga có biên giới chung trên bộ dài 1.300 km, việc Phần Lan gia nhập giờ đây đã giúp NATO tăng gấp đôi đường biên giới tiếp giáp với Nga, theo hãng tin AP. Phần Lan cũng giúp NATO giải quyết bài toán địa lý bằng cách lấp vào khoảng trống lớn của liên minh ở khu vực biển Baltic vô cùng quan trọng về mặt chiến lược. Về phía Phần Lan, việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu giúp nước này có được sự bảo vệ theo cơ chế "phòng thủ tập thể" được quy định trong điều 5 Hiến chương NATO. Điều khoản này quy định rằng "bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh" và tất cả thành viên sẽ hỗ trợ nước bị tấn công ngay lập tức, có thể bằng vũ lực.
Xem nhanh: Ngày 404 chiến dịch, Nga giăng bẫy phi công Ukraine, Crimea hối hả xây chiến hào
Nga vốn coi việc NATO mở rộng là sự uy hiếp đối với an ninh quốc gia và đây cũng là một trong những lý do Moscow sử dụng khi bắt đầu đưa quân sang Ukraine hồi tháng 2.2022. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 4.4 nói việc Phần Lan gia nhập NATO và việc NATO tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu làm gia tăng nguy cơ xung đột lan rộng. Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là hành động "xâm phạm" an ninh Nga và Moscow sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đối phó".
NATO cho biết trước mắt họ chưa có ý định tăng cường sự hiện diện ở Phần Lan. Song theo AP, Phần Lan sở hữu lực lượng vũ trang có quy mô đáng kể và được huấn luyện tốt, với đội quân tinh nhuệ có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C ở vùng Bắc cực. Quốc gia Bắc Âu này cũng có một đội quân dự bị lớn và đang đầu tư mạnh vào trang thiết bị mới, bao gồm hàng chục chiến đấu cơ F-35 do Mỹ sản xuất.
Đại tướng Mỹ Milley nói Ukraine rất khó đạt mục tiêu thu hồi toàn bộ lãnh thổ trong năm nay
Bình luận (0)