Phân loại rác tại nguồn: Nhiều địa phương 'than' khó

16/08/2024 19:01 GMT+7

Sáng 16.8, tại Hải Phòng, Bộ TN-MT tổ chức hội thảo 'Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung'.

Từ 1.1.2025, 63 tỉnh/thành phải phân loại rác tại nguồn

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT) Hoàng Văn Thức cho biết, hiện nay, mỗi ngày cả nước thải ra gần 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này gia tăng hàng năm, gây ra nhiều áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Vì vậy, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải nói chung và CTRSH nói riêng. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại CTRSH làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa CTRSH phải xử lý và phát thải ra môi trường.

Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, luật quy định UBND tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể CTRSH với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31.12.2024. Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý CTRSH cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế.

Theo ông Thức, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT và nhiều văn bản hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phân loại CTRSH...

Phân loại rác tại nguồn: Nhiều địa phương 'than' khó- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức

ĐÌNH TRUNG

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lam, Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường), cho biết, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp. Lượng CTRSH phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước.

Theo đó, năm 2019 tổng lượng CTRSH phát sinh là 64.658 tấn/ngày, trong đó đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Hiện nay tổng lượng CTRSH phát sinh là 67.877,34 tấn/ngày; trong đó đô thị là 38.143,05 tấn/ngày, nông thôn là 29.734,30 tấn/ngày.

Về công tác thu gom vận chuyển, năm 2023 toàn quốc là 88,34%, trong đó tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%. Về cơ sở xử lý CTRSH, chúng ta có 1.548 cơ sở, trong đó có 340 cơ sở đốt CTRSH; 30 cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ; 1.178 cơ sở chôn lấp CTRSH, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Nhiều địa phương "than" khó

Ông Lam đánh giá, hiện còn nhiều thách thức trong quản lý CTRSH. Cụ thể, vẫn chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Trong thu gom vận chuyển, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Những khó khăn, thách thức trên được đại diện các Sở TN-MT, Hội LHPN, Hội Nông dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung tham gia hội thảo đồng tình.

Hải Phòng là địa phương được Bộ TN-MT đánh giá rất cao trong việc phân loại rác tại nguồn khi có nhiều mô hình điểm mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, theo đại diện Sở TN-MT TP.Hải Phòng, địa phương vẫn gặp nhiều bất cập giữa các chính sách và thực tiễn phân loại - thu gom - xử lý CTRSH tại các địa phương.

Bên cạnh đó, sự quyết tâm, vào cuộc của chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, kết quả chưa bền vững; nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại CTRSH tại nguồn hạn chế; phương tiện thu gom vận chuyển, hạ tầng phục vụ việc phân loại, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại chưa đồng bộ, nhất là khu vực nông thôn…

Theo vị đại diện Sở TN-MT của Hải Phòng cũng cho biết, thành phố đang hướng tới đóng cửa hết bãi rác tạm tại các huyện vào năm 2026. Năm 2027 đưa vào hoạt động lò đốt rác phát điện với công suất 1.000 tấn rác/ngày, phần còn lại của địa phương sẽ tái chế, tái sử dụng và chôn lấp tại các bãi rác theo quy định.

"Dù biết phân loại rác tại nguồn là vô cùng khó nhưng chúng ta vẫn phải bắt tay vào làm. Nếu phường không đủ điều kiện, kinh phí thì phân loại ở phạm vi từng ngõ. Chúng tôi luôn tuyên truyền nhận thức cho người dân, đặc biệt là những người đứng đầu khu dân cư. Nếu Bí thư chi bộ, Chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên sát sao thì khu vực đó phân loại rác rất tốt", vị đại diện nói và cho hay, TP.Hải Phòng chi 550 tỉ đồng mỗi năm để xử lý, phân loại rác thải.

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở TN-MT các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa cho rằng, địa phương đều đã thí điểm phân loại rác tại nguồn, người dân cũng đã có ý thức phân loại rác nhưng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, kinh phí, thiết bị vận chuyển, thu gom.

Lấy ví dụ cụ thể về khó khăn gặp phải, đại diện Hội LHPN tỉnh Hà Nam chia sẻ, khi các hội viên thực hiện phân loại rác thải thì cơ quan đi thu gom rác lại không thu gom theo kiểu phân loại.

Bên cạnh đó, các bể trung chuyển chưa đảm bảo theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020 khi chưa có các ngăn theo đúng quy định. Đặc biệt, còn một số quy định Bộ TN-MT vẫn chưa ban hành kịp thời, dẫn đến các địa phương, cơ quan chủ trì về tài nguyên của tỉnh chưa tham mưu được cho UBND tỉnh nên việc có đảm bảo được tiến độ đúng theo quy định hay không vẫn là một dấu hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.