Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon

10/08/2024 06:24 GMT+7

Giá của túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần hiện rất rẻ nên được sử dụng tràn lan khắp nơi, nhiều nhất là ở các chợ truyền thống. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, dịch vụ giao nhận hàng hóa, nhất là thực phẩm, phát triển mạnh khiến vấn đề càng thêm phức tạp.

Chục túi nilon/người/buổi chợ

Tại một chợ truyền thống ở Q.10 (TP.HCM), mỗi sáng sau khi bày hàng xong, chị Hiền bỏ lên trên mớ rau củ của mình 3 túi đựng bọc nilon kích cỡ khác nhau, mỗi túi nặng 1 kg. Tùy theo nhu cầu, khách hàng tự lấy túi nilon và chọn hàng đưa cho chị cân, tính tiền. Các túi nilon trắng tinh và mới nguyên như một món quà miễn phí, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Hàng cân xong tính tiền lại được cho vào 1 hoặc 2 túi khác lớn hơn, tùy lượng hàng khách mua. Chị Hiền cho biết trung bình một người khách mua rau sẽ dùng từ 3 - 5 túi nilon; mỗi buổi tốn khoảng 3 kg túi nilon các loại, chi phí 60.000 - 70.000 đồng. Hầu hết khách hàng đều muốn bỏ riêng từng loại như vậy để thuận tiện khi cân cũng như tính tiền. "Ở siêu thị người ta cũng làm thế, người bán thịt, bán cá cũng làm thế... Nói chung là ở đâu cũng đều như vậy nên nếu mình tiết kiệm túi nilon sẽ không bán được hàng", chị Hiền phân bua.

Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon- Ảnh 1.
Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon- Ảnh 2.
Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon- Ảnh 3.
Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon- Ảnh 4.

Giá sản phẩm túi nilon rẻ nên nhiều người vô tư sử dụng, bất chấp tác hại đến sức khỏe và môi trường

Ngọc Dương

Hỏi một bà nội trợ về số lượng túi nilon sử dụng trong mỗi lần đi chợ, câu trả lời là: "Úi trời, hơi đâu mà đếm, nhưng không dưới 10 bịch. Hàng rau vài bịch, qua hàng thực phẩm vài bịch, qua hàng trái cây thêm vài bịch. Nhiều khi mua có 2.000 đồng hành cũng tốn thêm một bịch nilon... Quen rồi".

Tại các siêu thị, túi nilon truyền thống đã được chuyển sang túi tự hủy từ nhiều năm qua, về cơ bản cũng được phát miễn phí cho người tiêu dùng. Chỉ một vài cọng hành, ngò hay mấy trái ớt cũng được để riêng vào một túi nilon cho dễ tính tiền. Thậm chí có khi nhân viên "ưu ái" dùng cùng lúc 2 túi để phòng ngừa túi bị rách. Chính sự tiện dụng, sẵn có và đặc biệt là miễn phí nên nhiều người sử dụng một cách vô tội vạ.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), từ năm 2021, trung bình một siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nilon/ngày. Tổng số lượng túi cho toàn bộ hệ thống siêu thị trên cả nước ước khoảng 104.000 túi/ngày; tương đương với 38 triệu túi nilon/năm. Hiện có đến 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí cho khách hàng. Ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, lượng rác thải mỗi ngày ước tính đến 80 tấn, trong đó lượng rác thải túi nilon chiếm 7 - 8%, tương đương từ 5,6 - 6,4 tấn.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có hành vi tiêu dùng. Dù đời sống đã trở lại trạng thái bình thường nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen mua hàng qua mạng và đặc biệt là đặt thức ăn. Mỗi phần ăn thường tốn ít nhất từ 3 - 5 sản phẩm nhựa gồm túi đựng, hộp nhựa, đũa - muỗng…

Theo khảo sát của chúng tôi, 1 kg túi nilon trắng có giá phổ biến chỉ 40.000 - 45.000 đồng, các loại túi màu 20.000 đồng/kg; còn các loại chén, ly, đĩa, hộp nhựa dùng một lần cũng chỉ có 5.000 - 10.000 đồng/chục. Vì giá rẻ nên lượng sử dụng lớn và đây lại là nguồn lợi lớn cho các cơ sở sản xuất. Ngay khu vực xung quanh chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) có ít nhất 4 điểm kinh doanh mặt hàng này, trong đó có 2 cơ sở mới và tất cả thường rất đông khách.

Cần có chính sách thay đổi hành vi

Phân loại rác tại nguồn vẫn khó: Lạm dụng túi nilon- Ảnh 5.

Túi có khả năng tự phân hủy vẫn chỉ mới sử dụng phổ biến ở các kênh phân phối hiện đại

Ngọc Dương

TS Trương Ái Nhi, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), nhận định: Từ sau đại dịch Covid-19, tại các thành phố lớn như TP.HCM dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển rất mạnh. Ở góc độ kinh tế, các dịch vụ này phản ánh xu hướng xã hội và cũng mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng như các cửa hàng dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, những người làm dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, đứng ở góc độ môi trường, chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển này rất đáng báo động. Các dịch vụ nói trên đòi hỏi sử dụng rất nhiều bao bì nhựa để đóng gói sản phẩm. Ở các dịch vụ phân khúc cao thì có sự cải thiện trong việc sử dụng một số sản phẩm thay thế như túi giấy hay bao bì tự hủy, còn những dịch vụ bình dân thì gần như chỉ sử dụng sản phẩm nhựa thông thường. Nghĩa là môi trường đang gánh khối lượng bao bì nhựa ngày càng lớn.

Theo TS Trương Ái Nhi, túi nilon hiện được dùng phổ biến, thậm chí lạm dụng, ở các chợ truyền thống do giá rất rẻ và tính tiện lợi. Hành vi quen thuộc của hầu hết người bán hàng là mỗi thứ sẽ đựng vào một túi nilon, 2 - 3 thứ cùng nhóm mặt hàng sẽ được cho vào một túi khác lớn hơn. Mặt khác, trong khi túi nilon truyền thống có giá khá rẻ thì sản phẩm túi nhựa thân thiện, tự hủy có giá lên đến 160.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần. Đây chính là nguyên nhân khiến sản phẩm này mới chỉ có thể đi vào một số kênh phân phối hiện đại. 

Trong khi đó, kênh phân phối hiện đại chỉ mới chiếm một lượng tiêu thụ rất nhỏ trong tổng tiêu dùng của xã hội, còn chợ vẫn là chính. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng để giảm túi nilon, tăng túi thân thiện với môi trường thì việc đầu tiên là cần chính sách phù hợp để thúc đẩy túi tự hủy phát triển. Đơn cử như giảm thuế, hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tăng thuế đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, sau khi kênh siêu thị áp dụng chuyển đổi sang túi tự hủy thành công thì thời điểm này cũng là lúc cần đưa sản phẩm túi thân thiện môi trường vào chợ truyền thống. 

Mặt khác, để hướng đến việc hạn chế rác thải nhựa thì bài học của nhiều nước là các hệ thống mua sắm, phân phối không được phát túi nilon miễn phí cho khách hàng. "Cần tuyên truyền để mọi người quan tâm đến môi trường, khách hàng dừng sử dụng, người bán hàng dừng hành động phát túi miễn phí thì mới ngăn chặn được nạn sử dụng túi nilon. Nhìn từ góc độ đó, có thể thấy giải pháp hạn chế sử dụng túi nilon cần có cơ chế pháp lý và phải được triển khai từ ban quản lý các chợ truyền thống xuống đến các tiểu thương", TS Nhi đề xuất.

Việc giải quyết rác thải nhựa dùng một lần rất phức tạp, cần có bài toán tổng thể và hợp lý. Điều quan trọng đầu tiên là người sử dụng phải có ý thức phân loại các loại rác này sau khi sử dụng, cần phân tách các bao bì ra khỏi thức ăn thừa. Rác thải là thức ăn thừa và bao bì cũng cần phải được phân loại, có đơn vị chuyên trách và thu gom xử lý, tái chế theo đúng quy định.

TS Trương Ái Nhi

Cần 1.000 năm để phân hủy 1 túi nilon trong tự nhiên

Theo Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), việc sử dụng túi nilon quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Năm 2022, các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu người, gây hại cho các tế bào. Chúng được cho là đi vào cơ thể qua thức ăn và nước uống, thậm chí không khí mà con người hít thở. Túi nilon cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống vì cần thời gian từ 500 - 1.000 năm mới phân hủy trong môi trường tự nhiên. Với những túi nilon bị vùi trong đất, hóa chất sẽ hòa vào làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây ảnh hưởng chất lượng đất và nước. Nếu túi nilon bị vứt xuống môi trường nước sẽ làm ô nhiễm ao hồ, sông ngòi và gây tắc dòng chảy. Ở môi trường biển, túi nilon và rác thải nhựa nói chung cũng sẽ gây ô nhiễm và gây ra cái chết cho nhiều loài sinh vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.