Tin vào lời hứa lương ngàn đô trở lên, 46 người VN dính bẫy lừa, mất hơn 4 tỉ đồng và trở thành người phạm pháp ở Thái Lan. Đây là vụ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Thái có số nạn nhân nhiều nhất từ trước đến nay.
Một số người bị lừa xuất khẩu lao động sang Thái Lan - Ảnh: Nguyễn Tập |
Không dám “liều mạng” sang Thái làm chui, nhưng cũng với giấc mơ đổi đời, không ít người dễ dàng lọt vào bẫy săn người.
Thòng lọng thít dần
Tháng 10.2014, Công ty STO (quảng cáo là có trụ sở ở Nhật Bản) đăng tuyển lao động làm việc cho 5 công ty Nhật tại Thái Lan gồm 10 quản lý và 100 lao động phổ thông với lương tháng từ 1.000 - 1.500 USD. Ngoài ra, công ty hứa sẽ đảm bảo visa làm việc hợp pháp, đào tạo nghề, bao tiền nhà, điện nước...
Thông tin hấp dẫn này nhanh chóng được truyền miệng và trong một khoảng thời gian ngắn, hàng chục người đã đến đăng ký. “Tôi từng đi xuất khẩu lao động làm cơ khí 3 năm tại Nhật nên rất có cảm tình với các công ty Nhật. Khi nghe họ trả mức lương là 1.100 USD, tôi đăng ký liền”, Hoàng Văn Đạt (quê Hưng Yên) kể.
|
Hai tháng sau, 20 người đầu tiên sang Thái theo đường du lịch và được đưa xuống học việc tại tỉnh Pathum Thani, cách Bangkok khoảng 60 km. Ban đầu, Công ty STO còn nhờ chính một người Việt trong nhóm làm quản lý, lo việc đưa đón lao động từ VN sang Thái. Một số người đã được trả lương, một người được công ty lo cho visa 3 tháng.
Thấy tình hình êm xuôi, lần lượt 46 lao động VN quê Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hưng Yên đóng tiền sang Thái. STO yêu cầu mỗi người đóng 1.000 USD tiền cọc, 3.000 USD phí làm visa và thẻ lao động, 500 USD tiền vé máy bay và 70 USD tiền dịch thuật cùng một số phí khác. Tổng cộng hơn 5.000 USD/người.
Nơi làm việc là một nhà kho lớn ở ngoại ô tỉnh Pathum Thani. Công việc của mọi người là rã linh kiện từ những đồ điện tử cũ. Mọi chuyện vẫn diễn ra êm xuôi cho đến giữa tháng 3.2015, ông chủ khu nhà trọ thông báo với mọi người chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn đóng tiền nhà, nếu không thì dọn đi chỗ khác.
Đến lúc này, mọi người mới té ngửa là tiền nhà trọ chỉ được người của Công ty STO trả đến ngày... 19.3 dù theo thỏa thuận lúc đầu, công ty sẽ lo chuyện nhà cửa, điện nước. Cùng lúc đó, chủ nhà xưởng cũng thông báo sắp thu hồi mặt bằng do hết thời hạn thuê. Tiền lương nợ nhân viên cũng đã đến tháng thứ ba chưa trả... Sinh nghi, mọi người gọi điện cho Giám đốc Công ty STO là ông Sato Hiroaki nhưng đáp lại chỉ là những tiếng tút tút của điện thoại đã bị khóa.
Đem con bỏ chợ
Theo lời kêu cứu, PV Thanh Niên tìm đến khu trọ tại tỉnh Pathum Thani, nơi 46 người VN đang phải sống nhờ vào sự cưu mang của người dân Thái Lan. Hạn trả tiền nhà đã hết, giám đốc công ty biến mất, xưởng làm việc đã bị thu hồi, khóa trái cửa. Tiền bạc không có, tiếng Thái không biết, họ bỗng chốc bơ vơ tay trắng.
Chủ nhà trọ thấy tội nghiệp nên vẫn để mọi người tiếp tục ở nhưng phải dồn lại ở chung. Ông Sawan, quản lý khu phòng trọ người Thái nói: “Tiền trọ 11 phòng là 16.500 baht/tháng (khoảng 12 triệu đồng). Nhưng giờ thấy hoàn cảnh khó khăn như vậy, tôi cũng để họ ở tạm chứ biết sao giờ”.
Người Thái trong xóm biết chuyện bèn gom góp nhau cho gạo, thịt trứng, mì tôm để mọi người tự nấu. Đại sứ quán VN tại Bangkok và Báo Thanh Niên cũng hỗ trợ 30.000 baht (khoảng 20 triệu) đưa ông chủ nhà trọ và mua đồ ăn, thức uống để mọi người cầm cự. Việt kiều tại Thái nghe hoàn cảnh bi đát cũng đến giúp đỡ...
Gương mặt vẫn còn vẻ thất thần, Đặng Thị Thụy (quê Chí Linh, Hải Dương) nghẹn ngào: “Trước đây tôi đi giúp việc nhà tại Đài Loan, Macau cũng hơn 10 năm. Thấy Công ty STO quảng cáo công việc hấp dẫn hơn nên cắm sổ đỏ, lấy tiền đóng sang Thái làm việc mong kiếm được chút vốn. Vậy mà...”. Ngồi co ro nơi góc phòng, Hoàng Văn Anh (19 tuổi, quê Chí Linh, Hải Dương) kể anh chỉ mới học xong lớp 12 được vài tháng, nghe nói có tuyển lao động đi Thái nên xin người nhà vay tiền lo cho sang. “Em định làm khoảng nửa năm sẽ trả được dứt nợ. Sau đó để dành một chút. Bây giờ thì chỉ cầu mong lấy được tiền và sớm về nhà để cày trả nợ thôi”, anh nói mà mắt đỏ hoe.
Không những cạn kiệt về tiền bạc, 46 nạn nhân này bất đắc dĩ còn trở thành những người phạm pháp trên đất Thái. Khi mới sang, mọi người đều đi theo đường du lịch, visa chỉ được 30 ngày nên tất cả phải đối mặt với tội cư trú và lao động bất hợp pháp. “Cũng may Đại sứ quán VN tại Bangkok đã yêu cầu cảnh sát Thái Lan bắt giữ Giám đốc Công ty STO và điều tra vụ việc nên chúng tôi không bị ghép tội”, một người trong nhóm cho biết.
Hiện tại, các nạn nhân đã trở về VN an toàn. Tuy vậy, vụ việc vẫn chưa giải quyết xong, số tiền bị lừa vẫn chưa được thu hồi để trả lại cho nạn nhân. Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, Hoàng Văn Đạt chỉ biết chép miệng than: “Để sang được đây, bọn tôi đã phải cắm sổ đỏ mượn nợ ngân hàng, vay nóng tứ phía... Và bây giờ vẫn đang cày cuốc để trả nợ và tiền lãi vay đang đè lên cổ mỗi tháng đây...”. (còn tiếp)
Bình luận (0)