Hiện đoạn nhạc rap chế bài thơ "Lượm" đang thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và sử dụng.
Không thể chấp nhận được
Một số người đã sử dụng đoạn âm thanh này để ghép video cảnh tạo dáng phản cảm, học sinh đứng trên bàn ghế hay một số người mặc áo tắm… Nhiều bạn trẻ bày tỏ thái độ không đồng tình khi đoạn nhạc trở thành trend (xu hướng) không phù hợp với ý nghĩa và tinh thần của bài thơ gốc.
Bài thơ 'Lượm' của Tố Hữu bị chế thành bản rap vô nghĩa trên TikTok
Theo Nguyễn Thanh Định, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, "Lượm" của nhà thơ Tố Hữu là bài thơ mà anh chàng ấn tượng và xúc động mỗi khi nhớ đến.
Sau khi xem các video về lời bài thơ bị chế, Định chia sẻ: "Mình cảm thấy vô cùng khó chịu khi xem được các video đó. Đây vốn dĩ là một bài thơ ca ngợi về hình tượng người chiến sĩ trẻ anh hùng, dũng cảm trong thời chiến của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng lại được "biến chế" nội dung không phù hợp, thành một trend nhảy nhót, khoe cơ thể một cách phản cảm. Thật sự không thể chấp nhận được!
Đây là trend không lành mạnh hay còn gọi là "rác mạng" gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Cùng ý kiến với Thanh Định, Hàng Đức Thịnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: "Hình ảnh một cậu bé hồn nhiên, dũng cảm, hy sinh vì nhiệm vụ trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu lại bị chế thành nhạc sử dụng từ ngữ không phù hợp trên TikTok. Đây là hành động không đúng đắn và không đáng được khuyến khích. Những hình ảnh và nhạc chế phản cảm có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm mất đi sự tôn trọng và giá trị của các nhân vật lịch sử, gây ảnh hưởng đến quan điểm, suy nghĩ và hành vi của giới trẻ".
Với quan điểm cá nhân, Nguyễn Thị Như Huỳnh (24 tuổi), đang làm việc tại một công ty Luật ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng: "Tôi cảm thấy đây như một vấn nạn xem thường lịch sử, giẫm đạp lên những người hy sinh cả tuổi trẻ, tính mạng để đổi lấy nền hòa bình. Hành động này tạo ra cái nhìn mất thiện cảm của những bậc tiền bối, thầy cô với thanh niên. Bản thân tôi cảm thấy khó chịu cũng như mất mặt thay khi những người bạn đồng trang lứa thậm chí là bạn đã cùng chung trên giảng đường đại học, trình độ cử nhân được giáo dục kỹ càng cũng theo trend này. Đáng lên án thay hành động này không chỉ thể hiện sự không tôn trọng của thanh niên với lịch sử, với anh hùng dân tộc mà còn là hành động làm ảnh hưởng đến tư tưởng của lớp trẻ sao này".
Xem nhanh 12h ngày 26.4: Khởi tố 65 bị can vụ ‘4 tiếp viên’ | ‘Lượm’ bị chế thành nhạc rác
Làm lệch lạc chuẩn mực văn hóa hay gây ra ảnh hưởng xấu trong xã hội
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhà văn Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) nhìn nhận: "Khi bạn "chế" ra một điều gì đó thì trước cái vui phải có văn hóa. Giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng quá nhiều vào mạng xã hội và từ đó tạo ra một quãng sống ảo để tìm kiếm niềm vui sau những mệt mỏi đời thường. Điều này tôi cho là phù hợp xu thế hiện đại. Tuy nhiên, niềm vui cần một cái duyên. Việc chế một bài thơ thành ra vậy, tạo nên một xu hướng đôi khi sẽ làm méo mó hình ảnh, thông điệp, kể cả câu thơ. Thiết nghĩ nụ cười từ cái trend này mất đi niềm vui rồi".
Cũng theo nhà văn Tống Phước Bảo, bất cứ điều gì cũng có nguyên bản và chế bản, chúng ta khó lòng ngăn cấm, nhất là trong thời đại 4.0, một thế giới phẳng, một xã hội mà các kênh mạng đã thay đổi dần thị hiếu của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Khi chế ra bất cứ thứ gì từ bản gốc thì mục đích để làm gì? Nếu là vui đơn thuần, không ảnh hưởng vi phạm tác quyền, quy định pháp luật hoặc gây ảnh hưởng xã hội thì cũng không có gì đáng bàn hay lên án, thậm chí nên khuyến khích sự hài hước duyên dáng để cuộc sống thêm nhẹ nhàng. Bởi mỗi một niềm vui đơn thuần đều cần thiết trong cuộc sống này.
"Tuy nhiên, nếu làm lệch lạc chuẩn mực văn hóa hay gây ra ảnh hưởng xấu trong xã hội, thậm chí vi phạm quy định pháp luật, thì kiên quyết phải lên án. Sự ảnh hưởng của việc "chế" nhưng làm "biến" luôn cái đẹp của văn hóa thì không ai có thể chấp nhận được", nhà văn Tống Phước Bảo nói.
Nhà văn Tống Phước Bảo đề xuất cần sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành trong việc giải quyết vấn nạn nhạc chế sử dụng ca từ không phù hợp. Và điều cần thiết nhất là mang đến cho công chúng một vùng văn hóa sạch từ đời thực, như các lễ hội sách, các cuộc giao lưu văn hóa đọc, các không gian vui chơi dân gian đúng nghĩa thu hút đúng nhu cầu tìm tòi khám phá của công chúng, nhất là những người trẻ.
"Chính từ các cuộc giao lưu như vậy sẽ khiến họ có suy nghĩ về nét đẹp của văn hóa. Tự khắc họ không còn "chế" nữa hoặc khi chế họ sẽ giữ được nét đẹp văn hóa, cái duyên dáng hài hước sẽ được đảm bảo mà không bị lố lăng hay tạp nham", nhà văn Tống Phước Bảo cho hay.
Bình luận (0)