Như Thanh Niên thông tin, qua truy vết, bà P.T.Q (44 tuổi, trú Tổ 6, P.Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang, Bắc Giang) đã tiếp xúc với một bệnh nhân mắc Covid-19 ở H.Yên Dũng (Bắc Giang). Khi TP.Bắc Giang ra quyết định đưa bà Q. đi cách ly tập trung thì người này không hợp tác, chạy lên tầng 3 của gia đình cố thủ, chống đối.
Sau nhiều giờ thuyết phục không thành, tối 26.5, TP.Bắc Giang huy động lực lượng, phương tiện, thậm chí cả xe thang chuyên dụng, đến cưỡng chế, áp giải bà Q. đi cách ly.
|
Trường hợp khác, thông tin từ Công an TP.Phủ Lý (Hà Nam) cho biết vừa đưa Trang Thị Dung (18 tuổi, trú xã Si Pa Phìn, H.Nậm Pồ, Điện Biên) vào cách ly tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) để theo dõi, phòng dịch.
Theo Công an TP.Phủ Lý, Dung sống tại xã Si Pa Phìn, là địa bàn có dịch Covid-19 và đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Ngày 20.5, Dung trốn khỏi địa bàn và bắt xe khách xuống Hà Nội. Khi đến chốt kiểm dịch tại đèo Pha Đin (H.Tuần Giáo, Điện Biên), Dung bị các cán bộ kiểm dịch phát hiện, đưa đi cách ly tập trung.
Tuy nhiên, ngày 24.5, Dung tiếp tục trốn khỏi khu cách ly và Công an tỉnh Điện Biên đã ra thông báo truy tìm, đề nghị các tỉnh thành cả nước phối hợp tìm kiếm. Ngày 26.5, Công an TP.Phủ Lý phát hiện Dung đang trốn ở một nhà trọ trên địa bàn nên tiến hành đưa đi cách ly tập trung, lập hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Không thể chấp nhận hành vi thiếu ý thức
Xã hội mà còn những người thiếu ý thức như này thì không biết đến bao giờ mới hết dịch bệnh đây.
Hoang LinhVới trường hợp chống đối sẽ là nguồn lây nhiễm ra thêm cho cộng đồng, phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Xuan XaCách ly xong bàn giao cho công an luôn để làm hồ sơ đưa ra khởi tố.
Phu Nguyen |
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi thiếu ý thức của những trường hợp trên. “Trong khi tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, cả nước đang gồng mình để chống chọi mà vẫn tồn tại những thành phần thiếu ý thức như thế này. Đề nghị cơ quan chức năng có các biện pháp mạnh để mang tính răn đe”, BĐ Ngọc Ánh bức xúc.
Tương tự, BĐ K.K.W.X ý kiến: “Xem thường pháp luật, xem thường mạng sống của cộng đồng. Những đối tượng này phải cách ly với xã hội thật nghiêm chứ không thể xử nhẹ răn đe”.
“Tại sao trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch lại có những người thiếu ý thức vậy ta. Không xử nghiêm không được”, BĐ Văn Phú nêu quan điểm. Còn BĐ Van Vinh thẳng thắn: “Với những trường hợp thiếu ý thức như thế này phải thẳng tay cưỡng chế và nghiêm trị theo pháp luật. Nếu không sẽ gieo bao tai họa cho cộng đồng”.
Phải xử lý hình sự
Vậy xử nghiêm như thế nào? Theo nhiều BĐ, ngoài việc trấn áp ngay để đưa đi cách ly thì “Khởi tố luôn đi đừng phạt hành chính, cố ý để không đi cách ly theo yêu cầu, làm mất nhiều thời gian và công sức của lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch” (BĐ Wiki viết).
BĐ Hoang Lam cũng cho rằng: “Chính quyền phải mạnh tay với những trường hợp này, trấn áp ngay, khởi tố ngay mới răn đe những kẻ có ý định tương tự. Đừng thuyết phục dài dòng, chần chừ mất thời gian nữa. Bây giờ chống dịch cấp bách lắm rồi”.
“Mọi người đang vì mình nhưng mình lại không vì mọi người. Liệu có phải là sống ích kỷ không? Với các trường hợp này thì phải xử lý hình sự chứ phạt hành chính chẳng thể nào răn đe được”, BĐ Ngọc Phúc nêu quan điểm.
Bình luận (0)