Ông Amon cho rằng: “Cần nhìn vào 5G như nhìn vào cơ sở hạ tầng quan trọng từng có trong lịch sử nhân loại như đường sá, hay hệ thống giao thông đường sắt... 5G là một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong quá trình chuyển đổi số của nhiều lĩnh vực. Đó là lý do chúng ta thấy ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi không để bị chậm trễ trong việc tăng cường công nghệ không dây”.
Ông chỉ ra rằng từ 5 năm trước, sự phát triển của 4G đã giúp rút ngắn khoảng cách về khả năng kết nối, giúp điện toán đám mây trở nên phổ biến hơn, dễ tiếp cận hơn. Qua đó, ông Amon khẳng định: “5G đem đến tác động lớn hơn nhiều, chứ không chỉ giới hạn trong ngành viễn thông”.
Tất nhiên, để có nền tảng mạng 5G hiệu quả, thì vấn đề hạ tầng cho mạng viễn thông đặt ra nhiều thách thức, theo ông Amon. Đó là thách thức về việc cần giải quyết các hệ thống thu phát sóng với băng tần phù hợp, hệ thống mạng lưới hạ tầng băng thông rộng… Tất cả cần được xây dựng đồng bộ thì mới có thể phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, ông Amon cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo thêm cơ hội thúc đẩy 5G phát triển vì thay đổi nhanh cách thức giao tiếp, mở ra nhiều cơ hội để phát triển công nghệ để kết nối giữa người với người. Những phát triển về 5G trong năm 2020 đã biến nhiều khả năng thành hiện thực và mang đến các trải nghiệm liền mạch như đàm thoại video.
Cũng trả lời Thanh Niên, ông ST Liew, Phó chủ tịch Qualcomm Technologies - Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan và Đông Nam Á, nhận định Việt Nam là một trong những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới.
“Tuy nhiên việc phổ biến 5G trên diện rộng và xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, đáng tin cậy là cả một quá trình dài. Bởi 5G không chỉ dừng lại ở mạng di động mà còn bao gồm nhiều ứng dụng trong các thiết bị và ngành nghề khác nhau. Do đó, sự hợp tác giữa các bên liên quan là vô cùng cần thiết”, ông ST Liew đánh giá.
Bình luận (0)