Phấn son tô điểm sơn hà: 'Bao Công' Phùng Lê Trân

27/10/2022 07:04 GMT+7

Có một bà chánh án “huyền thoại” làm nền cho “huyền thoại” Tạ Đình Đề mà ít người biết đến. Đó là thẩm phán Phùng Lê Trân - chủ tọa phiên tòa xử “vụ Tạ Đình Đề”… Với tuyên bố ông Tạ Đình Đề vô tội và được trắng án (6.1976), bà đã giữ nghiêm cán cân công lý không xô lệch.

Người đời tôn vinh bà là “Bao Công” thời nay.

Gần 20 năm về trước, lần đầu tiên tôi được nghe đến tên bà Phùng Lê Trân nhờ nhà báo Phùng Văn Mỹ (bút danh Cam Ly). Mái tóc bạc trắng như cước, đôi mắt trong, ông Mỹ là em họ của bà Trân, ông vốn là giảng viên triết học Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Phùng Văn Mỹ hồi cố về từng vạt ký ức của một thời đã qua, và cho biết áp lực nhất với thẩm phán Phùng Lê Trân thời ấy là có chịu tuyên “án bỏ túi” như ngôn ngữ hiện hành không.

Từ giữa thập niên 1940, cô gái làng Bát Tràng Phùng Lê Trân đã dám “chống trời” đi ngược lại lễ giáo phong kiến, không chịu ràng buộc bởi chuyện mẹ cha hứa gả, đã là chuyện “kinh thiên động địa”! Để tự giải thoát mình, năm 1944, cô bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Cách mạng giải thoát cô khỏi ràng buộc của tờ hôn thú cũ. Cách mạng đưa cô vào ngành tòa án, ban đầu là Hội thẩm ở tòa án Quảng Yên, rồi tòa án Ba Đình, đến Thẩm phán TAND TP.Hà Nội…

Bà Phùng Lê Trân (1921 - 2007) đi vãn cảnh chùa

Tư liệu gia đình

Ngồi ghế chủ tọa của phiên tòa, bà Phùng Lê Trân chịu nhiều áp lực. Dường như số phận đã sắp đặt, bà thẩm phán chủ tọa phiên tòa hôm ấy đã trở thành “Bao Công” được người đời truyền tụng. Có người, là con gái của một cán bộ công tác tại TAND TP.Hà Nội, chứng kiến những lời phân tích rành rõ của thẩm phán Phùng Lê Trân trong phiên tòa và lời tuyên “tha bổng” bị cáo Tạ Đình Đề hôm đấy đã nghiền ngẫm về sự uy nghi minh triết của thẩm phán Phùng Lê Trân. Cô thầm nghĩ: Mình sẽ phấn đấu như thế. Sau này, cô gái đó trở thành thẩm phán nổi tiếng của tòa hình sự một tỉnh Tây nguyên.

*

Tôi gặp anh Nguyễn Chí Tâm, con trai của bà Phùng Lê Trân, trong ngôi nhà mới chuyển về gần mạn hồ Tây. Phố chiều xe cộ qua lại tấp nập cũng không làm đứt mạch chuyện của vợ chồng người con trai hiếu thuận nhớ đến người mẹ cương trực của mình. “Khi xử vụ án ông Tạ Đình Đề, tôi mới học lớp 10 nên bà không tâm sự gì. Bà chỉ dặn dò tôi khi đi lại, chơi bời thì phải cẩn thận”, anh Tâm cho biết.

Nhớ lại kỷ niệm cũ, anh Tâm chia sẻ, khi sắp xử ông Tạ Đình Đề, không khí căng thẳng bao trùm từ trong nhà ra ngoài phố Cao Bá Quát nơi gia đình sinh sống. Thậm chí cả ngày khai mạc phiên tòa, bố anh không đi làm. Ông bồn chồn như lửa đốt, hết ngồi lại đứng, bởi vì sáng hôm đấy, trước khi đi, bà dặn lại: “Hôm nay có thể em không về”.

Thế rồi, tin thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên bố ông Tạ Đình Đề trắng án như dòng điện chạy sáng khắp phố phường thủ đô hôm đấy. Có nhà báo từng hỏi bà Phùng Lê Trân lúc sinh thời:

- Sau vụ Tạ Đình Đề, cô có… day dứt điều chi không?

Bà thẳng thắn:

- Có chi mà day dứt! Cuộc đời đã giúp tôi… tự do, giúp tôi có một gia đình hạnh phúc. Tôi nỡ lòng nào xử oan sai cho ai!

Bần thần ít phút, anh Nguyễn Chí Tâm như nối lại mạch ký ức những tháng ngày qua. Anh chậm rãi kể tiếp: “Sau vụ xử, ông Tạ Đình Đề có đến nhà, cầm theo một túi lạc, coi như quà quê nhưng mẹ tôi không vừa lòng. Bà nói với ông Đề:

- Nếu ông đến tay không thì được”.

Ông Đề khẩn khoản giải thích đây chỉ là chút tình cảm nhưng bà Trân dứt khoát không chịu nhận túi lạc đó. Ông Tạ Đình Đề phải để túi lạc ngoài cửa, không được mang vào trong nhà.

Từ đó cứ đến tết là hai vợ chồng ông Tạ Đình Đề đến chơi nhà. Tết Đinh Sửu (1997), ông Tạ Đình Đề mang tới tặng bà Phùng Lê Trân 1 chiếc đồng hồ treo tường nhãn hiệu Tuổi trẻ. Lần này, ông khẩn khoản: “Đây chỉ là tình cảm, mong chị nhận cho”.

Dường như có linh cảm đây sẽ là lần cuối được gặp ông Đề, bà Trân đồng ý nhận. Cuối năm ấy, ông Tạ Đình Đề qua đời. Giáp tết Mậu Dần (1998), con trai trưởng của ông Đề (sau là một doanh nhân thành đạt) đến chúc tết bà Trân. Người con trưởng này thưa với bà Trân: “Bố cháu dặn lại, cô là ân nhân, sống tết chết giỗ. Nay bố không còn, cháu là con trưởng vẫn theo nếp cũ”.

Cảm động trước tấm tình của gia đình, bà Phùng Lê Trân nói: “Bây giờ bố cháu mất rồi thì thôi cháu không phải đến nữa cho vất vả”.

“Nhắc lại chuyện cũ, giọng bà lào thào đứt quãng.

- Ông Đề không có tội. Tôi không thể… vẽ tội cho ông. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải… xử nặng. Tù giam…

10 - 15 năm chi đó, tôi không nghe. Sau, thấy diễn biến phiên tòa… khó luận tội, dư luận… nghiêng về phía bị cáo, lại có người “gợi ý”: ít nhất phải… án treo… 18 tháng. Nhiều lúc, nhiều lúc… điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm… “gợi ý” thế?”.

(Minh Tâm: Gặp lại nữ Chánh án đã Tuyên án Tạ Đình Đề 18 năm về trước - Tiền Phong Chủ nhật, 1994)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.