Người được mời làm chủ bút tờ báo này là bà Hoàng Hương Bình, bút danh trên báo là Quốc Hương.
Điều này được nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi (1913 - 2016) chia sẻ với tôi từ 10 năm trước. Khi nhớ về người vợ đầu của mình, cụ ghi lại cho con trai cả là tiến sĩ Lưu Văn Lượng danh sách những bài viết trên báo ký tên Hoàng Hương Bình, Việt Nữ, hoặc bà Lưu Văn Lợi… Một trong số những tư liệu chưa tìm thấy mà cụ Lợi rất mong muốn có được là tờ nhật báo Quốc hội. Khi biết tôi chuyển đến ông Lượng bản photocopy tờ báo này, từ phòng bên, dù đã 100 tuổi, cụ Lưu Văn Lợi vẫn vịn tường tự sang để được tận mắt nhìn lại kỷ vật cũ, chứ không chờ chúng tôi mang sang trình cụ.
Ông bà Lưu Văn Lợi - Hoàng Hương Bình cùng con trai đầu lòng |
Tư liệu gia đình |
Trong kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên, trên báo Quốc hội, nữ ký giả Quốc Hương nêu ý kiến “Các bạn gái chúng ta phải đi bầu”. Trước những ý kiến của một số chị em phụ nữ cho rằng “đàn bà mình thì biết gì mà đi bầu cử” hoặc “tôi bận cháu thì đi thế nào được, hôm ấy đã có nhà tôi”..., bà Quốc Hương phê phán thái độ thờ ơ, lãnh đạm, không biết đến quyền lợi bầu cử. Bà cổ vũ giới của mình: “Không thể thế được, hỡi các chị bạn, phải đứng dậy đi không được rụt rè, do dự nữa. Rụt rè, do dự bây giờ là một tội nặng với sự tiến hóa chung đấy các chị ạ... Bầu cử để tỏ rằng phụ nữ chúng ta cũng làm trọn được phận sự và biết dùng quyền lợi tối cao của một công dân Việt Nam”.
Bà Hoàng Hương Bình là con đầu lòng của cụ Hoàng Văn Lan, công chức thời Pháp thuộc, giữ chức tham tá canh nông. Bà ham thích đọc sách và đã làm thơ Đường lúc còn trẻ. Phong trào Thơ mới phát triển mạnh mẽ, bà chuyển sang làm thơ mới và có nhiều bài thơ hay đăng trên tạp chí Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy, trên các báo Phong hóa, Ngày nay… Theo cụ Lưu Văn Lợi, bà được đánh giá sánh ngang các nhà thơ nữ thời bấy giờ như Ngân Giang, Hằng Phương, Vân Đài, Anh Thơ…
Sống trong cảnh sung túc nhưng mất mẹ từ sớm nên Hương Bình luôn rầu rĩ vì nỗi cô đơn. Tâm trạng khao khát tình yêu thương của người thân lại nảy sinh trong phong trào lãng mạn của những năm Thơ mới. Cô Hương Bình thích làm thơ để vợi nỗi lòng. Hơn 70 năm sau, cụ Lưu Văn Lợi vẫn nhớ những câu thơ vợ mình làm: “Gió êm đềm lướt dài trên đồng ruộng/Sương mơ hồ phơi phới chập chờn bay/Tôi muốn đắm, bạn ơi, trong cảnh mộng/Để cho lòng quên lãng những chua cay”.
Chàng công chức trẻ Lưu Văn Lợi, khi đó đang làm Sở Đoan (nay là cơ quan thuế) Hải Phòng, có thơ đáp lại. Thật không ngờ, bài thơ đó lại là sợi tơ hồng nối chặt hai trái tim. Được thầy Nguyễn Hữu Tảo vun đắp cho mối tình và được sự đồng ý của hai bên gia đình, hôn lễ của đôi bạn trẻ được tổ chức đơn giản ngày 21.12.1939.
Lúc này, ông Lợi tham gia cách mạng, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc cùng với các ông Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Hữu Đang. Ảnh hưởng của chồng nên bà Hoàng Hương Bình ít viết các bài thơ lãng mạn như trước nữa mà chuyển sang viết các bài báo chính luận về phụ nữ và xã hội, đăng trên báo chí thời bấy giờ.
Tác phẩm của bà Hoàng Hương Bình (1915 - 1950)
Giây phút chạnh lòng (thơ) - Tri tân số 96 năm 1943; Một vài cảm tưởng sau khi đọc cuốn “Phụ nữ với hôn nhân” (tiểu luận) - Tri tân số 102 năm 1943; Phụ nữ với Quốc văn (tiểu luận) - Tri tân số 112 năm 1943; Tính ỷ lại của nữ thanh niên ngày nay (tiểu luận) - Tri tân số 124 năm 1943; Bát cơm gạo đỏ (thơ) - Quân đội Nhân dân, số 1, ngày 20.10.1950; Nhớ các con (thơ) - viết trong kháng chiến chống Pháp… Và còn nhiều bài thơ, văn, lý luận, phê bình đăng trên các báo, tạp chí trước Cách mạng Tháng Tám 1945 chưa sưu tầm được.
(Thống kê của Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi)
Cách mạng Tháng Tám thành công, bà tham gia hoạt động phụ nữ và được mời làm chủ bút tờ báo Quốc hội - vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử bỏ phiếu bầu Quốc hội. Ngày 6.1.1946, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, báo Quốc hội giải thể.
Đến Toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946 bùng nổ, bà Hương Bình theo chồng tản cư lên Thái Nguyên. Lúc này ông Lưu Văn Lợi làm Trưởng phòng Địch vận tại Cục Chính trị thuộc Bộ tổng tư lệnh, bà cũng tham gia trong Ban Thi đua của Cục trong suốt những năm từ 1947 - 1949.
Năm 1949, vì cuộc sống kháng chiến rất gian khổ, sinh hoạt thiếu thốn nên bà xin nghỉ công tác tại Cục Chính trị, về nhà gồng gánh buôn bán nhỏ để lấy tiền nuôi con. Người con út sinh trong kháng chiến thiếu tháng, mất sớm khiến bà buồn phiền, cộng với nỗi vất vả trong kháng chiến nên bà mắc bệnh thương hàn và mất ngày 19.10.1950. Bà Hoàng Hương Bình được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
(còn tiếp)
Phấn son tô điểm sơn hà
Bình luận (0)