Ngoại có một hàng “cóc kẻng” (hàng bán đồ ăn vặt), nên mỗi lần ở với ngoại là được ăn nhiều thứ, có chuối bom - trái vàng ươm, thơm, bên trong hơi giống chuối già, vị hơi chua, nhưng trái mập mạp, giờ hiếm hơn những năm ấy. Ngoại có bán ốc hương luộc chấm mắm gừng, hoặc muối ớt. Mỗi lần ngoại luộc ốc, thơm nguyên một nhà.
Phan Thiết là xứ nước mắm, mùi nồng ấm cho những ai sinh ra ở vùng biển, nên mỗi món ăn sẽ có một cách pha nước mắm rất riêng. Nước mắm gừng của ngoại, ớt lớn giã tươi, gừng giã riêng thật nhuyễn trên cối lớn, vắt nước, pha với nước mắm, đường, ăn với ốc hương thì không gì tuyệt hơn. Sau này mẹ cũng làm nước chấm này ngon như ngoại, đến nỗi cô hàng xóm học cách này, dùng trong đám tiệc được khen nức nở.
Khi ăn bánh căn - một loại bột gạo xay được pha đặc hơn bột đổ bánh xèo, gạo ngâm qua đêm bỏ cơm nguội vào, sau đó đổ vào khuôn đất nung nhỏ, thêm chút hành hương tươi - nước mắm lại làm theo cách khác. Cũng ớt trên đem luộc, bỏ hột, giã nhuyễn, pha nước ấm, đường, không có tỏi, thành một hũ nước mắm đỏ au, không cay lắm. Nếu muốn ăn cay, thêm chút ớt hiểm là “biết nhau ngay”. Cho bánh căn nóng - hai cái úp vào nhau - vào tô nước mắm đỏ au, thêm chút xoài sống bào sợi, ít tóp mỡ gáy nóng, viên xíu mại, thêm quả trứng luộc, thêm chút cá nục mới kho tỏi ớt mềm, ăn lúc trời trở lạnh, Phan Thiết như thu gọn trong đấy. Đây là món nhà làm, ăn đông mới ngon, tụi con nít chúng tôi thời đó - từ năm lớp 6, lớp 7 là đã tụm năm, tụm bảy tự đổ bánh và thưởng thức được rồi.
|
Còn ăn cơm với canh cá - cá tươi nấu với cà và thơm, chút hành, tiêu, nêm hành giã với muối hầm, thì nước mắm phải để nguyên, thêm chút ớt xắt - chấm vào để thưởng thức nguyên vị tươi ngọt của biển. Nước biển Phan Thiết mặn hơn biển Nha Trang và Phú Quốc hay Cần Giờ, nên cá ăn bùi hơn, béo hơn, các loại hải sản khô ăn cũng mặn mòi hơn. Cách pha nước mắm này cũng áp dụng cho bánh hỏi, bánh xèo và cách ăn cũng vậy, cho vào tô nước mắm, vừa ăn vừa húp, bỏ rau vào, cho miếng bánh xèo đổ khuôn như bánh xèo miền Trung trên cùng một lò đổ bánh căn, với than, mực tươi, tôm thịt tươi sống, chút giá, hành, vị là rất đặc trưng Phan Thiết.
Ăn bánh canh hay bánh quai vạc, nước mắm thắng với đường trong veo, sệt sệt, chấm chả bánh mì, hay ăn với bột lọc tôm thịt (quai vạc), là món quà xế trưa làm rất nhiều người Phan Thiết đi xa sẽ nhớ. Các loại rau Phan Thiết thơm lừng khi ăn với các món cuốn bánh tráng gạo mềm, chắc do rau mọc từ đất cát.
Phan Thiết là nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành dừng ở khu Dục Thanh, phường Đức Nghĩa dạy học ở khu nhà của cụ Nguyễn Thông (giờ là khu di tích Dục Thanh), gần bên một cây cầu mới được xây sau này ở thập niên 1980. Bên sông Cà Ty, có một tháp nước bên tả ngạn. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934 do Hoàng thân Souphanouvong người Lào thiết kế. Khi ấy, ông này là du học sinh Trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Hồ sơ dự thầu có hai nhà thầu người Pháp và hai nhà thầu người Việt, trong số đó có nhà thầu Ưng Du (người gốc Huế, làm việc ở Bình Thuận). Nay tháp nước này đã trở thành biểu tượng của tỉnh Bình Thuận.
Sông Cà Ty tại thành phố Phan Thiết có 3 cây cầu, xưa thời của ba mẹ trước thập niên 1980 chỉ có 2. Mẹ kể có cụ Huỳnh Liên từng nói rằng: “Bao giờ Phan Thiết ba cầu, người dân Phan Thiết phát giàu phát quang”. Và khi cây cầu thứ ba xây dựng xong, năm 1995 Mũi Né là nơi được chọn xem nhật thực. Và từ sau năm đó, các khu du lịch vùng biển Mũi Né hình thành cho đến ngày nay với vẻ đẹp của Đồi cát vàng, Bàu Trắng…
Và với tôi, Phan Thiết là nơi tôi có những người thân yêu, có bà con nhà ngoại, có bạn thân từ thuở thiếu thời đến nay, là nơi mà chỉ cần về nhà là nghe những tiếng thăm hỏi cười đùa, món ăn sẻ chia của láng giềng, chỉ cần ghé xuống ăn cơm cá nhà bạn thân, bước chân ra chợ gần nhà mua cá tươi xanh trong mẹt, vài bước chân đi lễ nhà thờ Chính Tòa là đã đủ đầy cho một chuyến nghỉ ngơi sau bao nhiêu bôn ba thường nhật.
|
Bình luận (0)