Vài thứ có vẻ quá lạ so với những gì mà phụ huynh và xã hội vẫn hình dung về chữ viết và đánh vần tiếng Việt. Vì thế, chẳng ngạc nhiên gì khi hàng loạt ý kiến thắc mắc của công chúng được nêu ra trên mạng xã hội. Thế là câu chuyện được đặt tên: “Cách đánh vần lạ”. Nhưng có lẽ, lạ nhất trong câu chuyện này vẫn là cách phản ứng và trả lời công chúng của cơ quan quản lý.
Trước những dấu hiệu chỉ báo rất rõ ràng rằng vấn đề đã trở thành nhân tố đặc biệt kích thích sự chú ý của đám đông công chúng, cần được quản trị truyền thông một cách có trách nhiệm ngay từ đầu thì phản ứng phát ngôn của Bộ GD-ĐT lại ngắn gọn đến mức gây cảm giác khiêu khích công chúng, rằng “không mới lạ, không sai”. Chỉ ngắn gọn như thế, không cung cấp những giải thích cặn kẽ, thấu đáo và có trách nhiệm để làm rõ vấn đề.
Sự thiếu nhạy cảm về truyền thông và thiếu trách nhiệm trong xử lý phát ngôn như thế đã ném về phía công chúng một “hộp đen” đầy hấp dẫn, khởi động ngay lập tức sự tò mò, thắc mắc, nghi ngờ, suy diễn, thậm chí là bất mãn từ công chúng. Và lẽ đương nhiên, nó mở đường cho tin giả (fake news), cho những luận điệu cố ý xuyên tạc có cơ hội tấn công cảm xúc của công chúng.
Câu chuyện “cách đánh vần lạ” nhanh chóng bị đẩy đi rất xa. Và cha đẻ của chương trình công nghệ giáo dục làm sao thoát cảnh bị nhắc tên. Rồi là chửi. Thôi rồi là chửi, còn thiếu điều tục tĩu nào nữa đâu. Rồi phải nhiều người cố gắng đăng đàn giải thích. Và tận lúc đó Bộ GD-ĐT mới chịu lên tiếng chính thức.
Sao có thể để một chuyện nhỏ gây ra tổn thương xã hội lớn đến thế, chỉ vì sự khinh suất ban đầu, sự im lặng kéo dài và sự chậm trễ đến mức lạ thường?
Mà có phải cá biệt đâu, sự chậm trễ lạ thường của cơ quản lý nhà nước. Thậm chí có trường hợp công ty lừa đảo tiền tỉ làm tour du lịch nước ngoài dù đã bị tố cáo vẫn thản nhiên tiếp tục nhận tour lừa khách mà cơ quan chức năng dường như cũng chẳng có phản ứng đủ sức ngăn chặn. Công ty ấy vẫn tiếp tục quảng bá dịch vụ, vẫn tiếp tục lấy tiền và cho khách hàng ăn “bánh vẽ”.
Xin đừng để lúc người dân mong đợi nhất vào phát ngôn và hành động của cơ quan quản lý nhà nước thì đó cũng là lúc họ nhận lại sự im lặng và chịu đựng sự chậm trễ lạ kỳ.
Bình luận (0)