Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4.4 đã chúc mừng Phần Lan gia nhập NATO, ca ngợi liên minh quân sự này là "sự đảm bảo hiệu quả duy nhất cho an ninh trong khu vực" trước điều mà ông gọi là "sự gây hấn" của Nga, theo AFP.
"Tôi chân thành chúc mừng Phần Lan và Tổng thống Sauli Niinisto đã gia nhập NATO nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập tổ chức này", ông Zelensky viết trên mạng xã hội, theo AFP.
Phần Lan gia nhập NATO, Nga cảnh báo đáp trả
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã hoan nghênh việc Phần Lan gia nhập NATO và bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Thụy Điển trong việc gia nhập liên minh, trong lúc Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn đơn của Thụy Điển.
Thủ tướng Scholz viết trên Twitter rằng việc Phần Lan gia nhập NATO là "tin tốt và là thắng lợi cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Thụy Điển vẫn đang chờ nhận được sự ủng hộ đầy đủ của chúng ta".
Tương tự, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ca ngợi việc Phần Lan gia nhập NATO mang tính "lịch sử" và kêu gọi tổ chức quân sự này kết nạp Thụy Điển. Ông Sunak nhấn mạnh việc Phần Lan chính thức gia nhập với tư cách là thành viên thứ 31 của NATO "đã làm cho liên minh mạnh mẽ hơn và mỗi người chúng ta an toàn hơn".
Phần Lan bổ sung gì cho kho vũ khí quân sự của NATO
"Tất cả các thành viên NATO hiện cần thực hiện các bước cần thiết để kết nạp Thụy Điển, để chúng ta có thể sát cánh cùng nhau như một liên minh nhằm bảo vệ tự do ở châu Âu và trên toàn thế giới', ông Sunak kêu gọi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã hoan nghênh việc Phần Lan gia nhập NATO, đồng thời thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary kết thúc quá trình phê chuẩn để Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4.4 gọi tư cách thành viên NATO của Phần Lan là một "cuộc tấn công vào an ninh của chúng tôi" và tuyên bố Nga sẽ có biện pháp đối phó, theo AFP. "Điện Kremlin tin rằng đây là mức độ trầm trọng mới nhất của tình hình", ông Peskov nhấn mạnh.
Vũ khí hạt nhân Nga sẽ đặt gần NATO
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin nhập NATO vào tháng 5.2022, nhưng Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn việc phê duyệt nỗ lực trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, nước láng giềng của Phần Lan. Ankara cho rằng Stockholm chưa có đủ hành động trong việc chống lại những người mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. Ba nước đã ký một hiệp ước về vấn đề này trong năm ngoái, theo Reuters.
Một cuộc bỏ phiếu của quốc hội Hungary cho nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn chưa được lên kế hoạch, theo Reuters.
Bình luận (0)