Luật Quy hoạch cũng tích hợp nhiều loại quy hoạch trong một tổng thể thống nhất, khắc phục các quy hoạch bị chia vụn theo ý chí chủ quan của các ngành, các địa phương riêng lẻ, đồng thời bố trí ăn khớp trên không gian lãnh thổ, tận dụng các lợi thế so sánh động.
Triển khai thực hiện luật Quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành khẩn trương triển khai lập đồng thời các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh. Việc phân vùng kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng để xây dựng các quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người băn khoăn đặt ra là: Phân vùng để làm gì?
Mới nghe qua câu hỏi này, có người đã “bật” lại: để làm quy hoạch chứ sao, để phát triển kinh tế có hiệu quả nhất. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy “nói vậy mà không phải vậy”.
Thực tiễn thời gian qua các vùng được phân chia nhiều lần khác nhau. Dù có điều chỉnh, các vùng được xác định đều có quyết định của Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã ban hành các quy hoạch phát triển dài hạn. Từ đó đã tổ chức nhiều hội nghị vùng, có giao kết, có kiểm điểm, đề ra kế hoạch, thậm chí còn bắt tay thi đua. Nhưng hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch vùng rất thấp.
Bản chất vấn đề là chúng ta đang thiếu thể chế vùng.
Hiện nay, vùng không được quy định trong Hiến pháp, không là một cấp quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể của hệ thống chính trị. Dưới T.Ư là đến cấp tỉnh, không có cấp vùng. Do đó, các hội đồng vùng lập ra chỉ là cơ chế chủ yếu có tính chất “câu lạc bộ”, “vui vẻ” với nhau.
Vùng cũng không có ngân sách riêng để thực hiện liên kết. Vì không “chính danh” trong Hiến pháp, nên dù quy hoạch vùng kinh tế - xã hội và vùng đặc thù đã được Thủ tướng ban hành, nhưng các địa phương thi hành đến đâu chủ yếu do các tỉnh thấy có lợi cho địa phương mình, vì tận dụng được lợi thế so sánh, mà gần như hoàn toàn không vì mục đích “hỗ trợ” hay liên kết, lan tỏa sang các địa phương khác. Mấu chốt là ở chỗ, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương và luật Ngân sách, các địa phương tự chủ tài chính, khoản ngân sách dành cho địa phương hoàn toàn do HĐND địa phương quyết định, trong đó không có kinh phí cho việc liên kết vùng.
Cuối cùng, thể chế kinh tế vùng không có. Đây cũng hệ quả của 2 lý do trên. Hiệu lực của hội đồng vùng dưới bất kỳ hình thức nào gần như hoàn toàn không có thực chất.
Để xử lý các bất cập này, rất mong Chính phủ báo cáo Quốc hội và nhân chuẩn bị Đại hội Đảng, nên có đột phá về vấn đề phân vùng và quản lý vùng.
Bình luận (0)